Kết quả cuộc điều tra xã hội học về xây dựng nông thôn mới của tỉnh: Nhiều vấn đề đặt ra

Cảnh Phương| 11/09/2014 10:09

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa hoàn thành cuộc điều tra xã hội học nhằm đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn, được thực hiện tại địa bàn 6 xã gồm: Đắk Nia, Đắk R’moan (Gia Nghĩa); Đạo Nghĩa, Quảng Tín (Đắk R'lấp); Nam Đà, Nam Xuân (Krông Nô). Phương pháp điều tra bằng định lượng, thông qua bảng hỏi với số lượng 480 phiếu; đối tượng là người dân làm nông nghiệp có độ tuổi từ 22-70 tuổi.

Với nội dung đánh giá mức độ hiểu biết của nhân dân về 19 tiêu chí trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới, kết quả thu được là: Tỷ lệ số người “có biết nhưng không đầy đủ 19 tiêu chí” chiếm 46,4%; số người “biết rất đầy đủ 19 tiêu chí” chiếm 20%; “biết khá đầy đủ 19 tiêu chí” chiếm 12,6%; “không biết 19 tiêu chí” chiếm 21,1%.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Nam Dong, Chư Jút. Ảnh: Ngọc Tâm

Theo kết quả điều tra cho thấy trong công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra là: "Có số lượng lớn người dân chưa hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới", chiếm tỉ lệ 62,4%; "Nhiều người dân còn có tư tưởng trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước", chiếm tỷ lệ 49,5%; "Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn còn nhiều lạc hậu. Nhiều công trình xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được tu sửa” có 39,1% số người được hỏi lựa chọn; "Người dân không nhiệt tình tham gia Chương trình Xây dựng nông thôn mới", chiếm tỷ lệ 36,9% số người được hỏi; "Một số cán bộ phụ trách cấp xã, thôn chưa nhiệt tình với công tác xây dựng nông thôn mới" có 34,1% người lựa chọn; "Kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục còn lạc hậu", có 32,8% người lựa chọn.

ADQuảng cáo

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cần có những giải pháp gì, kết quả số người lựa chọn các phương án là: “Cần tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân” có số người lựa chọn phương án này chiếm tỉ lệ cao nhất 85,9%; “Cán bộ đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới” có 73,4% người lựa chọn; “Cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể” có 61,2% người trả lời lựa chọn; “Cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới phải có đủ năng lực, phẩm chất, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao” có 58,5% tỉ lệ người trả lời lựa chọn; “Trong quản lý điều hành cần nghiêm túc, khách quan và huy động tối đa mọi nguồn vốn” chiếm 50,5% số người lựa chọn; “Thường xuyên giới thiệu cách làm hay sáng tạo ở các địa phương” 46,9% người lựa chọn; “Củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp” có 41,5% người trả lời lựa chọn; “Giao cho những đơn vị có đủ khả năng và năng lực thực hiện các dự án xây dựng” có 39,8% số người lựa chọn; “Cần đào tạo cán bộ chuyên trách” có 35,8% số người lựa chọn.

Với yêu cầu người dân lựa chọn những tiêu chí cần làm trước, tuy ở từng địa bàn có khác nhau về điều kiện cơ sở vật chất, nên sự lựa chọn những tiêu chí cần làm trước cũng có khác nhau, nhưng xét về tổng thể chung là các tiêu chí: giao thông nông thôn, quy hoạch và thực hiện quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn, điện sinh hoạt, đảm bảo về an ninh trật tự… là những tiêu chí được nhiều người dân lựa chọn cần ưu tiên làm trước để làm tiền đề thực hiện các tiêu chí khác.

Với kết quả trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở mỗi địa phương; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đi vào chiều sâu; Cần xây dựng kế hoạch, lộ trình, bước đi cụ thể, đồng thời phải gắn trách nhiệm của tổ chức đảng, đoàn thể chính trị và các ngành liên quan trong việc xây dựng và thực hiện các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu đề ra; Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên, tập trung lãnh đạo với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” không nóng vội, không để mất cơ hội.

Bên cạnh đó, Phong trào Xây dựng nông thôn mới phải gắn Cuộc vận động ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư’’; huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn. Tranh thủ nguồn vốn từ các doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm làm chuyển biến một bước hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã, ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh như đường giao thông, điện sinh hoạt, chợ nông thôn, thủy lợi, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường. Chú trọng đến chất lượng dạy nghề và công tác hướng nghiệp cho người dân nông thôn; gắn công tác đào tạo nghề với các đề án tạo việc làm, đề án giảm nghèo nhằm nâng cao mức thu nhập cho dân cư nông thôn và tăng tỷ lệ lao động nông thôn; thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả cuộc điều tra xã hội học về xây dựng nông thôn mới của tỉnh: Nhiều vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO