Để xây dựng nông thôn mới thực sự là chương trình của người dân

Nguyễn Xuân Tuấn| 02/02/2015 10:38

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Việc xây dựng nông thôn mới đã trở thành Phong trào thi đua “Cả nước xây dựng nông thôn mới”.

ADQuảng cáo

Với tỉnh Đắk Nông, việc xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; UBND tỉnh đã phát động Phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có tác động lan tỏa trong toàn tỉnh, hỗ trợ và động viên tinh thần cán bộ và nhân dân. Phong trào đã tạo được sự đồng thuận của người dân, phát huy được những cách làm sáng tạo, ngày càng huy động được nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Đường liên buôn K62 xã Đắk D'rô (Krông Nô) đã được bê tông hóa. Ảnh: Hồ Mai

Trong giai đoạn 2011 - 2014 và dự kiến năm 2015, cả tỉnh huy động được khoảng 5.841,4 tỷ đồng, trong đó: ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình là 124,416 tỷ đồng (chiếm 2,13%), vốn trái phiếu Chính phủ 76,6 tỷ đồng (chiếm 1,31%), vốn tín dụng đầu tư phát triển là 490 tỷ đồng (chiếm 8,39%), vốn ngân sách lồng ghép, huy động người dân, doanh nghiệp và từ thiện là 5.150,384 tỷ đồng (chiếm 88,17%).

Kết quả, bộ mặt nông thôn tỉnh ta đã có thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình xây dựng nông thôn mới còn tồn tại những hạn chế, bất cập cần có sự rà soát, sửa đổi cho phù hợp.

Thứ nhất, việc thực thi của cán bộ cơ sở còn cứng nhắc, chạy theo thành tích: Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là một tiêu chuẩn, là đích phấn đấu đề một địa phương khi đạt được các tiêu chí đó thì được coi là nông thôn mới. Khi triển khai thực hiện thì chính sự tham gia của người dân sẽ là người quyết định nên thực hiện tiêu chí nào trước, tiêu chí nào sau cho phù hợp với điều kiện của địa phương mình.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc phấn đấu thực hiện các tiêu chí chủ yếu do cán bộ cơ sở ở địa phương lựa chọn, như vậy vô hình chung việc xây dựng nông thôn mới như một kế hoạch đã được xây dựng từ trên xuống mà không xuất phát từ nhu cầu của người dân. Các địa phương thường tập trung cho các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng dễ thực hiện như: giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn văn hóa (chiếm khoảng 95% vốn đầu tư), còn lại khoảng 5% vốn đầu tư vào hỗ trợ phát triển sản xuất. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng là ưu tiên cần thiết để thúc đẩy sản xuất, tuy nhiên với nguồn lực có hạn thì cần tính đến bài toán việc gì cần thiết hơn.

Thứ hai, các tiêu chí đánh giá chưa tính đến yếu tố vùng miền, văn hóa. Qua triển khai thực tế, sơ kết Chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều địa phương thuộc khu vực khó khăn đã có kiến nghị cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp với điều kiện thực tế như: cơ sở vật chất văn hóa, chợ, môi trường (nghĩa trang), điện, nhà ở, giao thông, thủy lợi, quy hoạch, y tế, hình thức tổ chức sản xuất.

Thứ ba là lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Trong việc triển khai thực hiện, các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội luôn được coi trọng và ưu tiên trước, trong khi đó các tiêu chí về phát triển kinh tế còn quá chung chung và ít được quan tâm.

ADQuảng cáo

Thực tế cho thấy, một số địa phương vì chạy theo thành tích, không tính đến hiệu quả đầu tư đã gây thất thoát, lãng phí, tình trạng nợ xây dựng cơ bản đã và đang diễn ra. Việc đầu tư những con đường lớn, những công trình thủy lợi kiên cố, những nhà văn hóa đẹp nhưng sử dụng không hiệu quả là một sự lãng phí xã hội rất lớn.

Thứ tư, nguồn lực không gắn liền với chính sách. Nhu cầu kinh phí để đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới rất lớn (bình quân 350 tỷ/xã); trong khi đó ngân sách Trung ương đầu tư hạn chế, ngân sách địa phương khó khăn, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp không hiệu quả.

Xuất phát từ những thực trạng trên, để Chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới thực sự là chương trình của người dân nông thôn và do người dân thực hiện với sự đồng lòng, quyết tâm; xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, làm cho người dân hiểu và thấy được ý nghĩa của Chương trình là vì nhân dân; Chương trình không đơn thuần là kế hoạch hành động mà còn là một cuộc cải tổ về ý thức “đã làm là được” cho người dân. Mục tiêu của Chương trình là vì cuộc sống tốt đẹp cả về vật chất và tinh thần cho cả cộng đồng chứ không vì một cá nhân đơn lẻ, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Đây là một công việc khó, tuy nhiên nó có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của Chương trình. Lịch sử hào hùng của dân tộc đã chứng minh, có rất nhiều phong trào như “gió đại phong”, "Sóng duyên hải", "Cờ ba nhất", “Thanh niên ba sẵn sàng”, "Phụ nữ ba đảm đang”... thành công vang dội, đã làm nên một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc; vì vậy chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ thành công.

Việc xây dựng nông thôn mới cần một nguồn lực lớn, tuy nhiên ngân sách nhà nước hạn chế, ngân sách các địa phương cũng khó khăn, do vậy cần sự hỗ trợ của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp. Do vậy, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong toàn xã hội nhằm tạo ra ý trí mạnh mẽ của người dân và cộng đồng cùng với quá trình hợp tác chặt chẽ để tạo ra nguồn lực tổng hợp phát triển nông thôn.

Thứ hai, trao quyền chủ động cho người dân: Người dân và cộng đồng thôn, bon sẽ tự lựa chọn dự án để triển khai thực hiện. Lập kế hoạch từ cơ sở, thay cho việc chạy theo thành tích thực hiện theo các chỉ tiêu không đúng với nhu cầu ưu tiên của người dân; các tiêu chí được ưu tiên lựa chọn phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của người dân, điều kiện sống của người dân được cải thiện.

Trong quá trình thiết kế dự án phải có sự tham gia của người dân, người dân sẽ tự triển khai và giám sát dự án, chính quyền địa phương chỉ được quản lý mà không có quyền can thiệp. Như vậy người dân sẽ phải tự lực phấn đấu để thay đổi cuộc sống của chính mình, bên cạnh đó khi nguồn lực có hạn người dân phải biết huy động từ cộng đồng để đạt hiệu quả cao nhất của dự án.

Thứ ba, cần coi trọng vai trò của công tác cán bộ cơ sở: Cán bộ cơ sở vừa giữ vai trò quan lý nhưng đồng thời cũng là người gần gũi nhất với người dân, do vậy kết quả của Chương trình phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của cán bộ cơ sở. Cần tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó nội dung trước tiên cần tập trung bồi dưỡng là nhấn mạnh tới sự cống hiến và nêu gương cho quần chúng, tiếp đến là các kỹ năng về thảo luận nhóm, khuyến nông, khuyến lâm... Việc lựa chọn cán bộ cơ sở cũng là khâu quan trọng, phải là người có uy tín, được nhân dân tín nhiệm.

Thứ tư, tạo ra sự cạnh tranh và tôn vinh những đơn vị xuất sắc. Để làm cơ sở cho việc đánh giá, trước hết cần tạo ra một tiêu chuẩn phấn đấu công bằng. Cần điều chỉnh các chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, địa phương như đã trình bày ở trên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để xây dựng nông thôn mới thực sự là chương trình của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO