Đắk R’lấp, doanh nghiệp đồng hành trong xây dựng nông thôn mới

Phan Tuấn| 11/03/2015 09:43

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đắk R’lấp, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân, thì còn có sự đồng hành của các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

ADQuảng cáo

Khoảng 2 năm về trước, tuyến đường liên thôn nối liền giữa thôn 13, xã Đắk Wer với thôn Quảng Sơn, xã Nghĩa Thắng dài trên 2km, bị hư hỏng nặng, vào mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì lầy lội. Thế rồi sau đó, Công ty TNHH Phương Nam, một doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn đã tự nguyện bỏ vốn đầu tư sửa chữa nên tuyến đường được cứng hóa, mở rộng, luôn khô ráo, giúp người dân hết sức thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất.

Ngoài tuyến đường này, Công ty TNHH Phương Nam còn đầu tư mở rộng tuyến đường nối liền giữa thôn 13, xã Đắk Wer đi xã Nhân Đạo với chiều dài 2,2 km. Tổng kinh phí mà công ty bỏ ra để thi công 2 tuyến đường lên tới 1,7 tỷ đồng. Với những đóng góp trên, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tuyến đường liên thôn xã Đắk Wer do Công ty TNHH Phương Nam đóng góp kinh phí xây dựng

Tương tự, thời gian qua, xã Nhân Cơ luôn dẫn đầu toàn huyện trong việc thực hiện tiêu chí giao thông. Để có được kết quả trên, ngoài sự ủng hộ của nhân dân, chính quyền địa phương cũng đã biết cách vận dụng các nguồn lực từ các doanh nghiệp để chung tay thực hiện.

ADQuảng cáo

Đơn cử như Hợp tác xã Cường Thịnh đã đứng ra hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn về kinh phí theo phương thức bán trả chậm vật liệu xây dựng để tham gia xây dựng đường giao thông. Bên cạnh đó, bằng hình thức xã hội hóa, chợ xã Nhân Cơ được Công ty Cổ phần xây dựng GIQ Chi nhánh Đắk Nông đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng rất khang trang, với trên 300 ki-ốt rộng rãi cũng như tạo điều kiện cho các tiểu thương tham gia buôn bán ở chợ.

Đối với những hộ tiểu thương khó khăn, chủ đầu tư đã hỗ trợ  bằng hình thức bán trả góp ki-ốt trong vòng 1-2 năm không lấy lãi. Vì vậy, hiện nay về cơ bản, các vị trí bán hàng bên trong chợ hầu như đã được các tiểu thương đăng ký mua hết, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương.

Theo ông Phạm Quang Vượng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp thì bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, khó khăn lớn nhất của địa phương vẫn là việc xây dựng hệ thống hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm...vì đòi hỏi cần rất nhiều vốn đầu tư. Nếu chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân thì sẽ khó đẩy nhanh tiến độ thực hiện được.

Điều đáng mừng là với sự kêu gọi của các cấp chính quyền, bằng hành động thiết thực, hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương triển khai Chương trình xây dựng NTM dưới nhiều hình thức phong phú như: ủng hộ tiền mặt trực tiếp; cam kết sử dụng lao động; giúp nông dân phát triển sản xuất; hỗ trợ cây, con giống và bao tiêu sản phẩm... với tổng trị giá trên 110 tỷ đồng. Việc đồng hành của các doanh nghiệp đối với Chương trình xây dựng NTM có ý nghĩa rất quan trọng đối với huyện Đắk R’lấp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R’lấp, doanh nghiệp đồng hành trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO