Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk Nông: Đồng hành trên mặt trận giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Lương thực hiện| 21/09/2017 10:45

Các chương trình tín dụng do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đắk Nông triển khai đã và đang góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới. Để làm rõ hơn những kết quả này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh.

ADQuảng cáo

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Jút giao dịch với người dân xã Chư K'nia

PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của đơn vị trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Đào Thái Hòa: Sau 15 năm thành lập, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chính quyền địa phương các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức trong ngành, hoạt động của Chi nhánh NHCSXH đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Minh chứng cho kết quả này là sự phát triển ngày càng lớn mạnh từ bộ máy quản lý đến con số dư nợ cho vay. Đến nay, tổng dư nợ tại đơn vị là hơn 2.147 tỷ đồng, tăng gấp 74 lần so với năm 2004.

Với nguồn vốn ưu đãi này, toàn tỉnh đã có gần 65.000 hộ gia đình đang được thụ hưởng. Trong đó, dư nợ đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số gần 816 tỷ đồng, chiếm 38% tổng dư nợ của toàn chi nhánh. Cùng với nguồn vốn cho vay ngày càng được nâng lên, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước cũng được triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho các hộ gia đình được tiếp cận vốn ưu đãi, phát triển kinh tế.

Hiện nay, NHCSXH tỉnh đã, đang thực hiện cho vay 12/18 chương trình. Trong đó, một số chương trình có tỷ trọng cho vay lớn như: Cho vay hộ nghèo chiếm 31,7%; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn chiếm 23%; cho vay hộ cận nghèo chiếm 13%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường chiếm 11%; chương trình cho vay học sinh, sinh viên chiếm 8,5%; cho vay hộ thoát nghèo chiếm 6%...

Người dân xã Đắk R'la (Đắk Mil) vay vốn ưu đãi của Nhà nước đầu tư phát triển cây ăn quả

PV: Với kết quả này, ông đánh giá như thế nào về tác động của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với lộ trình giảm nghèo của tỉnh, cũng như đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới?

Ông Đào Thái Hòa: Các chương trình tín dụng mà NHCSXH đã, đang triển khai thể hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Thông qua nguồn vốn của nhiều chương trình, đơn vị đã tạo điều kiện để các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2004-2017, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, NHCSXH tỉnh đã góp phần giúp 45.864 hộ thoát nghèo, trong đó, có hơn 13.000 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, trong những năm qua, toàn tỉnh có hơn 9.200 lượt hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh được vay vốn, tạo việc làm ổn định cho 12.600 lao động, cải thiện đời sống cho 10.000 lượt hộ gia đình. Đơn vị còn giúp hơn 27.000  lượt hộ gia đình được vay vốn để xây mới, sửa chữa, cải tạo gần 54.200 công trình nước sạch. Từ đây, nâng tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của tỉnh lên 75%, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn.

PV: Ban đại diện HĐQT các cấp, các tổ chức nhận ủy thác, hệ thống tổ Tiết kiệm và vay vốn, đội ngũ cán bộ ngân hàng đóng vai trò như thế nào trong việc giải ngân và hướng dẫn sử dụng hiệu quả vốn vay đối với người dân thưa ông?

ADQuảng cáo

Ông Đào Thái Hòa: Sự đóng góp của Ban đại diện HĐQT các cấp, các tổ chức nhận ủy thác, hệ thống tổ Tiết kiệm và vay vốn đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, ngay sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, sự vào cuộc của các đơn vị phối hợp đã giúp Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị này.

Đến nay, Chủ tịch UBND 71/71 xã, phường, thị trấn, xã đều tham gia làm thành viên Ban đại diện HĐQT - NHCSXH huyện, thị xã và trở thành người trực tiếp điều hành, chỉ đạo về vốn tín dụng ưu đãi. Nhờ có sự quan tâm về mặt quản lý nhà nước của chính quyền địa phương nên chất lượng tín dụng chính sách tại cơ sở từng bước được cải thiện. Đến nay, nợ quá hạn của toàn chi nhánh luôn duy trì dưới 0,5%/tổng dư nợ.

Cùng với đó, hằng năm, thông qua các đơn vị nhận ủy thác như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, nguồn vốn ưu đãi đã được kịp thời chuyển đến các gia đình được thụ hưởng. Nguồn vốn được giải ngân đúng lúc, đúng đối tượng giúp bà con có thêm điều kiện đầu tư vào nhiều mô hình sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hệ thống các Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bon đã giúp NHCSXH nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân trong quá trình vay vốn. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 tổ Tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Hệ thống này chính là “cánh tay nối dài”, hỗ trợ NHCSXH trong quá trình thực hiện công tác tín dụng tại cơ sở.

Trong kết quả chung, không thể thiếu sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống NHCSXH tỉnh. Hiện nay, đội ngũ cán bộ tại chi nhánh đều được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nên có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hằng năm, ngoài việc phối hợp tốt với các đơn vị nhận ủy thác, tổ Tiết kiệm và vay vốn, đội ngũ cán bộ tín dụng còn thường xuyên xuống địa bàn phụ trách để theo dõi, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay hiệu quả.

Bà con dân tộc thiểu số tại xã Tâm Thắng (Chư Jút) vay vốn ưu đãi phát triển cây cà phê

PV: Thời gian tới, đơn vị thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì để tiếp tục phát huy thành quả, khắc phục hạn chế, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là đưa đồng vốn ưu đãi nhà nước tham gia hiệu quả vào công tác an sinh xã hội?

Ông Đào Thái Hòa: Theo kế hoạch của chi nhánh NHCSXH tỉnh, chúng tôi phấn đấu dư nợ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,3%/tổng dư nợ. Để đạt được con số này, công tác kiểm tra, giám sát Ban đại diện HĐQT các cấp, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, Ban giảm nghèo cấp xã trong việc chỉ đạo bình xét công khai tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm mà đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, các tổ chức chính trị, xã hội cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức trực thuộc và Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác với NHCSXH.

Trên cơ sở này, các đơn vị nhận ủy thác sẽ làm tốt việc quản lý, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn. Hoạt động của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ được NHCSXH tỉnh không ngừng kiện toàn, củng cố và nâng cao. Các thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp đỡ nhau trong việc sử dụng vốn vay. Khi một thành viên của tổ gặp rủi ro không trả được nợ, các thành viên khác có trách nhiệm giúp đỡ.

Trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, các thành viên cùng nhau tìm biện pháp khắc phục, cũng như đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định. Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Việc triển khai, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng sẽ được chi nhánh NHCSXH tỉnh chú trọng, nhằm phục vụ tốt hơn nữa đối tượng là hộ nghèo và các gia đình thuộc diện chính sách khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk Nông: Đồng hành trên mặt trận giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO