Cần giải pháp đột phá trong xây dựng NTM

Đức Diệu - Nguyễn Lương| 20/08/2015 09:37

Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) cho thấy, ngoài những thuận lợi cơ bản thì vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc cả về cơ chế, cách thức triển khai, hạn chế đến việc huy động nguồn lực. Những vướng mắc này chính là “nút thắt” làm chậm lộ trình phát triển nếu không sớm được tháo gỡ.

ADQuảng cáo

Kỳ cuối: “Nút thắt” cần được tháo gỡ

Một góc khu dân cư thôn 3, xã Nâm N'Jang (Đắk Song) ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: N.L

TỪ NHỮNG CÁCH LÀM HAY

Cách đây hơn 10 năm, trước thực trạng giao thông đi lại khó khăn, người dân xã Đức Minh (Đắk Mil) đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền và bỏ công làm con đường liên thôn dài hơn 1km với tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng.

Do nhân dân tự bỏ tiền, tự thi công, giám sát nên tuyến đường đổ nhựa qua hơn 10 năm vẫn không hề bị hư hỏng. Phát huy tinh thần đó, bước vào xây dựng NTM, Đức Minh là một trong những xã đi đầu của tỉnh về xây dựng giao thông nông thôn bằng việc huy động nguồn lực trong nhân dân, nguồn vốn nhà nước đầu tư theo tỷ lệ quy định.

Liên quan đến hạ tầng nông thôn, mới đây, bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) cũng đã khánh thành, đưa vào sử dụng hội trường thôn với diện tích 120 m2. Đây là công trình hoàn toàn do người dân tự nguyện hiến đất, kinh phí cùng công lao động để xây dựng. Mặc dù theo quy định, việc xây dựng hội trường thôn, Nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí xây dựng, ngày công và đất và 20% kinh phí còn lại là phần đối ứng của nhân dân.

Tuy nhiên, chia sẻ với khó khăn chung về kinh phí từ phía Nhà nước, cộng với nhu cầu cấp thiết về nơi hội họp, sinh hoạt, người dân thôn Đầm Giỏ đã không trông chờ, ỷ lại mà chủ động đóng góp công sức, tiền của để xây dựng công trình.  

Để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, vào đầu năm 2015, Hợp tác xã Tân Quý, ở xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) đã chuyển hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với sự góp vốn của 10 xã viên, đơn vị đã đầu tư mua 45 thùng chứa rác, 1 xe chở rác và hơn 2 ha đất để tập kết rác thải.

Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, đến nay, Hợp tác xã đã thực hiện thu gom rác thải cho 22 thôn, bon, với hơn 3.000 hộ dân thuộc 2 xã Đạo Nghĩa và Nghĩa Thắng.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Nghĩa cho biết: Từ khi Hợp tác xã Tân Quý đi vào hoạt động, số lượng rác thải sinh hoạt của người dân đã được thu gom thường xuyên. Đặc biệt, hệ thống thùng rác công cộng mà hợp tác xã trang bị ở các ngõ xóm, đường thôn đã góp phần tạo ý thức tự giác cho người dân trong việc tập kết rác, cũng như bảo vệ môi trường xung quanh sạch đẹp. Từ đây, “bài toán” về tiêu chí môi trường nông thôn của xã cơ bản đã được giải quyết.

Cũng về lĩnh vực môi trường, xã Nam Đà (Krông Nô) đã vận động nhân dân đầu tư 30 thùng rác để bố trí tại các điểm thuận tiện trên cách đồng đông xuân tại thôn Nam Hải để người dân bỏ rác thải nông nghiệp. Xã cũng đã phân công cho Hội Nông dân có trách nhiệm quản lý, xử lý rác thải khi người dân đã tập kết vào thùng. Từ đây, tình trạng rác thải nông nghiệp vứt bừa bãi ra môi trường như trước đây đã được khắc phục. Quan trọng hơn, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của người dân nơi đây đã được nâng lên.

ADQuảng cáo

Không chỉ những mô hình trên, quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo cả trong công tác vận động nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa và tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường nông thôn... Những cách làm này không chỉ là “điểm sáng” của chương trình mà còn gợi mở cho chính quyền, người dân các địa phương cách thức tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hiện nay.

ĐẾN NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN THÁO GỠ

Nâm N’Jang là một trong những xã có mặt bằng thu nhập trong nhân dân cao nhất tỉnh. Rất nhiều hộ dân đủ điều kiện bỏ tiền đầu tư vào hạ tầng nông thôn, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM nhưng lại vướng cơ chế.

Tại cuộc họp tổng kết 5 năm thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, lãnh đạo xã Nâm N’Jang cho biết qua địa bàn xã hiện có khoảng 3 km đường liên xã chưa được cứng hóa, đến mùa nắng thì bụi mù trời, mùa mưa thì lầy lội. Nhiều người dân trong xã ngỏ ý muốn huy động tiền để  đầu tư làm đoạn đường này nhưng không được vì vướng cơ chế. Cụ thể, theo quy định, đường liên xã thuộc thẩm quyền đầu tư của Nhà nước, chưa có văn bản nào đề cập đến các hình thức xã hội hóa.

Cũng liên quan đến vấn đề đầu tư hạ tầng nông thôn, việc quy định hình thức quyết toán qua hồ sơ thiết kế, đơn vị thi công đủ tư cách pháp nhân đang gây lãng phí một nguồn kinh phí khá lớn. Nhiều địa phương cho rằng, nếu để người dân tự thiết kế hoặc nhà nước có cơ chế hỗ trợ người dân trong khâu thiết kế, thi công thì nguồn vốn đầu tư cho mỗi công trình sẽ giảm khoảng 30%.

Chưa kể đến, hiện danh mục một số công trình ở các lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn chưa đưa vào xã hội hóa nên việc đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Trên thực tế, các công trình giao thông nông thôn do nhân dân tự thiết kế, thi công vẫn bảo đảm về mặt chất lượng. Vì vậy, nên chăng tỉnh cần có cơ chế “cởi trói” trong khâu quyết toán, dùng số tiền cắt giảm từ chi phí thiết kế, tư vấn, hồ sơ thi công để tập trung đầu tư.

Đối với cơ chế huy động vốn, tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh biện pháp tháo gỡ theo hướng mở rộng xã hội hóa.

Ngoài những vướng mắc về cơ chế, “nút thắt” lớn nhất hiện nay vẫn là tư duy, nhận thức của cán bộ và chính người dân về NTM. Theo ông Phạm Quang Vượng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Đắk R’lấp thì trong xây dựng NTM, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

Chỉ khi nào thống nhất được quan điểm của cán bộ từ cấp trên xuống cơ sở thì công tác này mới tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Một khi người dân đã đồng tình, hưởng ứng thì mới phát huy được nội lực, tận dụng tối đa ngoại lực cho mục tiêu chung.

Một bộ phận cán bộ, người dân hiện vẫn có suy nghĩ rằng xây dựng NTM chủ yếu là để tranh thủ nguồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn cho thêm phần khang trang. Trong khi đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức về vai trò hạt nhân của chính người dân trong bảo vệ, quản lý cơ sở vật chất, tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, an ninh trật tự thôn xóm nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng. Điều này đã được thể hiện ở một số tiêu chí như an ninh trật tự, môi trường nông thôn thời gian qua đạt thấp và chuyển biến rất chậm. Nếu nhận thức của chính người dân chưa đúng hoặc chưa được nâng cao, cứ cho là phấn đấu đạt các tiêu chí thì việc bảo đảm duy trì cũng không hề dễ.

Từ đây cho thấy, nếu không gỡ được những “nút thắt” về cơ chế, cách làm, nhận thức của cán bộ, người dân thì kế hoạch về đích trên lộ trình hoàn thành 19 tiêu chí NTM sẽ còn xa hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp đột phá trong xây dựng NTM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO