Các địa phương chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân

Trần Lê| 11/11/2014 09:49

Cùng với các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh… thời gian qua, các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động, tích cực triển khai các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

ADQuảng cáo

Tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) để nâng cao thu nhập cho bà con, ngay trong đề án nông thôn mới, địa phương đã chỉ rõ việc tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm điểm mấu chốt. Trên cơ sở đó, địa phương đã xác định cà phê, tiêu là hai loại cây trồng chủ lực gắn với việc tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân.

Trung bình mỗi năm, địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức từ 3-5 lớp tập huấn về các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nông dân. Chính vì thế, nhiều người đã nhanh chóng áp dụng vào vườn rẫy đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tái canh cà phê đang được nông dân xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) chú trọng thực hiện nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản

Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Anh ở thôn 3 đã ứng dụng các kỹ thuật mới trong chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đối với vườn cà phê.

Ông Anh cho biết: “Trước đây, tôi luôn có tâm lý, cứ bón nhiều phân thì cây sẽ phát triển tốt, quả nhiều. Nhưng khi được tiếp cận nhiều với các kiến thức mới, tôi mới biết là mình sai. Hiện nay, tôi đã biết bón phân với lượng vừa phải, đúng thời điểm, đúng cách, cân đối các loại với nhau. Chi phí giảm đi khoảng 1/3 mà năng suất vẫn ổn định ở mức 4 tấn/ha, vì thế mà thu nhập cũng tăng lên đáng kể ”.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Viết Sỹ, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý Chương trình nông thôn mới xã Đắk Wer thì toàn xã hiện có hơn 2.000 ha cà phê với năng suất trung bình 2,5 tấn/ha, 153 ha tiêu với năng suất trung bình đạt 2,4 tấn/ha.

Hiện nay, xã đang đẩy mạnh việc vận động nhân dân tái canh cà phê, trong đó chủ  yếu sử dụng các giống ghép có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao đã được ngành Nông nghiệp tỉnh khảo nghiệm thành công, như TR4, TR5, TR7… Hiện nay, xã cũng đã tái canh được gần 20 ha cà phê, hiện toàn bộ diện tích đều đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Tương tự, theo UBND xã Đức Mạnh (Đắk Mil) thì việc phát triển sản xuất cho nông dân được xã triển khai theo hướng đa cây, đa con, tận dụng mọi diện tích canh tác, mọi thời gian để có thể tạo ra sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, với lợi thế có tuyến quốc lộ 14 chạy dọc, xã vận động nhân dân mở rộng phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ, qua đó góp phần tăng thêm việc làm, thu nhập cho bà con.

Ông Dư Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh, Trưởng Ban quản lý Chương trình nông thôn mới xã cho biết: “Xã hiện đã đạt các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất và chất lượng các tiêu chí này ngày càng được nâng cao”.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thì những năm qua, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho nhân dân luôn được các ngành, địa phương quan tâm. Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được gần 1.800 lớp tập huấn, hội thảo với trên 60.000 lượt người tham gia, hơn 212 khóa đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho gần 6.500 lao động. Hàng trăm mô hình về cây, con mới được ngành chức năng khảo nghiệm thành công và nông dân mạnh dạn nhân rộng sản xuất.

Chính vì thế, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tính đến 9 tháng đầu năm 2014 đã đạt mức 30,62 triệu đồng, tăng gấp hai lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 15,64%, giảm 13,61% so với năm 2010. Thu nhập người dân tăng cao, đời sống vật chất được nâng lên cũng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công các tiêu chí khác, nhất là cơ sở vật chất, văn hóa, an ninh trật tự.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO