Thực hiện Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy: Đắk Mil đạt kết quả tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

Lê Phước| 20/06/2018 10:38

Qua hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 6/5/2013 của Tỉnh ủy về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo, huyện Đắk Mil đã đạt được nhiều kết quả quan trọng làm tiền đề tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh ủy về quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Thay đổi cả về “lượng” và “chất”

Xác định công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 11, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Mil tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết đến các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên toàn huyện.

Trên cơ sở chỉ thị của Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng và triển khai các văn bản chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác QLBVR. Nhờ vậy, cấp ủy, chính quyền và các phòng, ban có liên quan, các chủ rừng xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Để triển khai hiệu quả, huyện Đắk Mil xây dựng Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Cơ quan quân sự, Hạt Kiểm lâm huyện trong công tác QLBVR, giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương. Riêng Hạt Kiểm lâm huyện thực hiện Quy chế phối hợp với các huyện lân cận (Đắk Song và Krông Nô) và các Đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn.

UBND các xã, thị trấn cũng tăng cường lãnh đạo, điều phối kiểm lâm địa bàn, lực lượng dân quân tự vệ. Đoàn kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng (gọi tắt là Đoàn 12) được kiện toàn và đi vào hoạt động có hiệu quả hơn. Từng tháng, quý, năm, Đoàn 12 đều lập kế hoạch cụ thể và tổ chức các đợt cao điểm để kiểm tra, truy quét các điểm nóng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyện lâm sản trái phép.

Nhờ làm tốt công tác phối hợp, tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện đã giảm mạnh so với thời điểm trước khi có Nghị quyết số 11. Từ đầu năm 2014 tới quý I/2018, toàn huyện Đắk Mil chỉ xảy ra 9 vụ phá rừng làm thiệt hại 5,35 ha rừng, tương đương với số vụ 6 tháng đầu năm 2013. Cũng trong thời gian này, lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện, xử lý 491 vụ mua bán, vận chuyển, khai thác, cất giữ lâm sản và động vật rừng trái phép.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Mil Lê Văn Dương, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 11, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng bằng các hình thức linh hoạt như: Tổ chức họp dân, phát tờ rơi, ký cam kết, tuyên truyền trên báo, đài... Qua công tác tuyên truyền đã từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong công tác QLBVR. Hàng ngàn lượt người dân đã chủ động tham gia các hoạt động tuyên truyền và ký cam kết không vi phạm lâm luật. Đặc biệt, nhiều người dân còn tích cực tham gia tố giác người vi phạm, giúp cho lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng

Theo đồng chí Lê Văn Dương, Đắk Mil luôn xác định việc bảo vệ, phát triển rừng là một nhiệm vụ trọng tâm nên sớm đề ra các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp thực hiện đồng bộ, phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của từng địa phương.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân đã nhận thức rõ được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng trong QLBVR.  Qua đó, các cơ quan QLBVR đã từng bước nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò nòng cốt, tham gia phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững.

Về phía các địa phương, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đảng ủy cấp xã và các chi bộ cơ sở đã xây dựng nghị quyết hàng tháng và chỉ đạo thực hiện. Nhờ vậy, vai trò của cấp ủy đảng và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác bảo vệ rừng đã ngày càng được nâng cao.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng theo đánh giá của Huyện ủy Đắk Mil, tình trạng phá rừng, vi phạm pháp luật liên quan đến tài nguyên rừng trên địa bàn huyện vẫn có nguy cơ tiềm ẩn, nhất là tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép dọc quốc lộ 14C, khu vực 46 km biên giới tiếp giáp với Campuchia. Bên cạnh đó, công tác trồng rừng của huyện những năm qua không đạt kế hoạch đề ra. Độ che phủ rừng của huyện Đắk Mil hiện tại rất thấp (31,74%) so với bình quân của tỉnh (39,42%) và của cả nước (41,45%).

Trước thực trạng trên, quan điểm của Huyện ủy Đắk Mil trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBVR và phát triển rừng. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở, sức mạnh của toàn dân, nhất là tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên để tham gia vào công tác QLBVR và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, Huyện ủy Đắk Mil chỉ đạo chính quyền và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng và quy chế quản lý từng loại rừng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai gắn với quản lý dân cư, giai đoạn 2016 - 2020; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật Bảo vệ và Phát triển rừng, triển khai các biện pháp QLBVR, phấn đấu nâng cao hơn nữa độ che phủ rừng của toàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy: Đắk Mil đạt kết quả tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO