Phát triển "hạt giống đỏ" trong vùng dân tộc thiểu số (kỳ 1): Những "điểm sáng" phát triển đảng viên DTTS

Hoàng Hoài-Vũ Trang| 22/08/2017 14:52

Đắk Nông hiện có khoảng 40 dân tộc anh em cùng sinh sống và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh. Vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra trong công tác xây dựng Đảng là phát triển đảng viên, trong đó đặc biệt chú trọng đảng viên người DTTS.

Phát triển đảng viên nói chung, đảng viên DTTS nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm tăng cường sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng. Nhận thức rõ điều này, riêng về phát triển đảng viên DTTS, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo.

Tự hào khi đứng vào hàng ngũ của Đảng

Trở thành đảng viên, đứng vào hàng ngũ của Đảng là ước mơ của Lang Thị Hương (SN 1993), dân tộc Tày, hiện là Phó Bí thư Đoàn xã Nam Xuân (Krông Nô) từ khi còn là học sinh. Đó cũng là động lực thôi thúc Hương không ngừng cố gắng, phấn đấu nâng cao năng lực và tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn.

Hương chia sẻ: “Quá trình rèn luyện và phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng đã giúp tôi ngày càng trưởng thành và sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng”.

Đảng viên Lang Thị Hương (giữa) vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hoạt động đoàn và phong trào thanh niên. Ảnh: Hoàng Hoài

Với đặc thù là địa bàn vùng sâu vùng xa, việc triển khai tổ chức hoạt động đoàn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí và cách thức thu hút đoàn viên, thanh niên. T

rước thực tế đó, Hương và đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở tích cực tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, gắn với sở thích và nhu cầu của thanh niên như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, gây quỹ tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi...

Nhờ đó, đến nay, các hoạt động đoàn và phong trào thanh thiếu niên trên địa bàn đã từng bước đi vào nền nếp.

Với những nỗ lực phấn đấu và cống hiến cho phong trào, hoạt động ở địa phương, tháng 6/2016, Hương vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Hương cho biết: “Hồi hộp, sung sướng, tự hào, chính là tâm trạng của tôi lúc nhận quyết định trở thành đảng viên. Với tôi, vào Đảng không chỉ là ước mơ, mà nó đã trở thành một lẽ sống của mình, sống có ích, sống gương mẫu, sống tốt”.

Cũng vì lẽ sống đó, hiện nay, Hương  luôn phấn đấu, cống hiến nhiều hơn để xứng đáng với sự tin tưởng của cấp ủy lãnh đạo, của đoàn viên, thanh niên và nhân dân.

Với Hương, cống hiến không phải là cái gì đó cao siêu mà đơn giản là sự cố gắng, nỗ lực hết mình cho công việc, hết lòng giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp, sống giản dị, hòa đồng, luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp công an, Điểu Chuyn, dân tộc M’nông, ở bon R’muôn, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) được phân công về công tác tại Công an xã Đắk R’tíh.

Trong quá trình công tác, Điểu Chuyn luôn nhiệt tình, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là chủ động tìm tòi nghiên cứu, học tập các biện pháp nghiệp vụ để áp dụng vào thực tiễn công tác tại địa phương.

Gần gũi, nhiệt tình, cởi mở, luôn vì dân phục vụ là những gì bà con nhận xét về Điểu Chuyn. Với sự nỗ lực phấn đấu, chỉ sau một thời gian công tác, năm 2015, Điểu Chuyn được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Đảng viên Điểu Chuyn, Công an xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) hướng dẫn người dân làm thủ tục nhập khẩu. Ảnh: Vũ Trang

Điểu Chuyn chia sẻ: “Trong gia đình, mình là người đầu tiên được kết nạp Đảng, nên cảm giác rất vui và tự hào. Niềm tự hào này không chỉ của riêng mình mà còn của gia đình, người thân. Bởi trước đây, khi nói vào Đảng, ông bà, cha mẹ mình đều cho đó là suy nghĩ viển vông, khó thực hiện được.

Do đó, khi mình được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, cả nhà ai cũng vui, động viên, khích lệ, tạo điều kiện để mình phấn đấu sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bây giờ đi đâu, bố mẹ đều khoe nhà có một đảng viên rồi nên vinh dự lắm.

Từ khi trở thành đảng viên, mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên vững tin hơn trong công việc, cuộc sống”.

Hiện tại, ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương, Điểu Chuyn còn là sinh viên tại chức đại học luật để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

"Điểm sáng” xã Nam Xuân   

Chi bộ thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân (Krông Nô) hiện có 24 đảng viên thì có đến 21 đảng viên DTTS, chiếm 87,5%.

Theo đồng chí Vi Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Nam Thanh, hàng năm, Chi bộ xây dựng nghị quyết riêng về công tác phát triển đảng viên trên địa bàn, với việc xác định, nguồn phát triển đảng viên đầu tiên là các cán bộ thuộc mặt trận, tổ chức đoàn thể, sau đó sàng lọc, lựa chọn những quần chúng có tố chất, điều kiện, khả năng để bồi dưỡng.

Chi bộ cử các đảng viên chính thức có kinh nghiệm, uy tín giúp đỡ các quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu để trở thành đảng viên.

Chi bộ cũng xác định, để tạo được sự gắn bó và muốn quần chúng phấn đấu vào Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, sâu sát trong mọi hoạt động, phong trào.

Đường liên thôn ở thôn Đắk Thanh, xã Nam Xuân (Krông Nô) được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn đóng góp làm. Ảnh: Hoàng Hoài

Trong thực tế, với sự chỉ đạo sát sao, cùng tính gương mẫu của đảng viên, đến nay, các phong trào, hoạt động của thôn ngày càng đi vào chiều sâu.

Đơn cử như phong trào Xóa đói giảm nghèo, dựa trên nghị quyết chung của Đảng ủy xã, chi bộ thôn đã nghiên cứu tình hình thực tế, nguyên nhân nghèo để xây dựng thành nghị quyết riêng phù hợp.

Trong quá trình thực hiện, chi bộ cũng phân công người giám sát để nắm bắt thực tế triển khai, có định hướng phù hợp.

Năm 2016, thôn được giao chỉ tiêu xóa  5 hộ nghèo, nhưng đã xóa được 9 hộ. Cán bộ, đảng viên trong thôn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ tinh thần, vật chất tạo mọi điều kiện để người dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Việc gì chi bộ, đảng viên lo liệu được thì sẽ không bao giờ huy động sức dân nhằm giảm phiền hà cho dân, đó là cách làm nhằm thay đổi tư duy của người dân về tổ chức đảng.

Video đồng chí Vi Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Nam Thanh nói về công tác phát triển đảng viên dân tộc thiểu số trên địa bàn:

Không riêng gì thôn Nam Thanh, nhiều chi bộ khác ở xã Nam Xuân đều được đánh giá là đi đầu trong công tác phát triển đảng viên DTTS.

Theo đồng chí Lương Văn Kéo, Bí thư Đảng ủy xã Nam Xuân, Đảng bộ xã hiện có 283 đảng viên, trong đó DTTS là 212 người, chủ yếu là các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Dao.

Để có được kết quả này là do bà con DTTS luôn tin tưởng vào Đảng, ý thức chính trị cao và phẩm chất đạo đức chính trị tốt. Hàng năm, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên về ý nghĩa của việc vào Đảng.

Theo đó, việc vào Đảng phải dựa trên tinh thần tự nguyện, không thể theo kiểu phát triển cho đủ chỉ tiêu mà phải năng động, nhiệt tình, phát huy được tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên.

Điều đáng mừng, Đảng bộ xã có 17 chi bộ, trong đó 11 chi bộ thôn, bon không phải có đảng viên tăng cường.

Hàng tháng, Đảng ủy xã đều phân công đảng ủy viên xuống sinh hoạt với chi bộ địa bàn để nắm tình hình phát triển Đảng, bảo đảm bồi dưỡng, lựa chọn người xứng đáng cũng như giao nhiệm vụ, trọng trách, tổ chức phong trào, hoạt động để quần chúng phấn đấu, rèn luyện qua thực tiễn…

Phát triển đảng viên hài hòa

Những năm gần đây, Đắk Song là một trong những địa phương có tỷ lệ phát triển đảng viên nói chung, đảng viên DTTS nói riêng luôn đạt và vượt so với chỉ tiêu giao.

Năm 2016, huyện phát triển được 186 đảng viên (vượt 66 người); trong đó, đảng viên DTTS là 23 người (vượt 15 người so với chỉ tiêu giao). Còn 6 tháng đầu năm 2017, huyện phát triển được 80/145 đảng viên, trong đó, riêng đảng viên DTTS 9/12 người.

Hiện nay, nguồn quần chúng ưu tú là DTTS của huyện đang còn khá và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt và vượt chỉ tiêu.

Theo đồng chí Phan Văn Hợp, TUV, Bí thư Huyện ủy Đắk Song, công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên DTTS luôn được các cấp ủy trong huyện quan tâm.

Hàng năm, Huyện ủy xây dựng chỉ tiêu cụ thể, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đảng cơ sở chú trọng phát triển hài hòa giữa đảng viên người Kinh và người DTTS nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách về số lượng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong dân.

Các đảng bộ thường xuyên cử ủy viên xuống dự sinh hoạt chi bộ thôn, bon để nắm tình hình, xem xét cách thức điều hành, nội dung sinh hoạt có đúng như hướng dẫn, chỉ thị của Đảng hay không.

Mặt khác, đây là dịp ủy viên các cấp lựa chọn, tìm kiếm để giúp cơ sở lựa chọn được quần chúng ưu tú phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Huyện ủy thường xuyên có chương trình mở lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng cho các quần chúng ưu tú, chứ không phải cố định số lượng lớp trong năm.

Qua học nhận thức về Đảng, đòi hỏi quần chúng phải có quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, chứng minh cho tổ chức thấy ý nguyện, khi đã “chín” thì mới tiến hành làm thủ tục kết nạp Đảng. Do đó, nếu việc tạo nguồn, bồi dưỡng không sớm thì sẽ dẫn đến không chủ động được nguồn.

Bí thư Phan Văn Hợp khẳng định: Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, việc phát triển đảng viên là DTTS của huyện cũng gặp những khó khăn nhất định về nguồn.

Thế nhưng, thông qua việc dự sinh hoạt với chi bộ, khó ở đâu, cấp ủy viên sẽ hướng dẫn hoặc có ý kiến phản ánh trực tiếp với tổ chức đảng để kịp thời tháo gỡ ở đó.

Hơn nữa, hiện nay, huyện luôn tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, trách nhiệm của người đảng viên để xây dựng chương trình phấn đấu phù hợp…

Nói như vậy, không có nghĩa là chạy theo số lượng, chỉ tiêu mà ngược lại huyện luôn chú trọng đến chất lượng, làm sao để những đảng viên được kết nạp đều đáp ứng được yêu cầu phần việc được phân công.

Video đồng chí Phan Văn Hợp, TUV, Bí thư Huyện ủy Đắk Song nói về giải pháp phát triển đảng viên dân tộc thiểu số tại huyện Đắk Song:

>> Kỳ 2: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển "hạt giống đỏ" trong vùng dân tộc thiểu số (kỳ 1): Những "điểm sáng" phát triển đảng viên DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO