Những việc cần làm ngay về xây dựng Đảng: Tích cực đổi mới công tác đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ

Quốc Cường (t.h)| 29/06/2012 13:54

Thời gian qua, nhiều chủ trương, giải pháp lớn về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước đã được thể chế hóa, cụ thể hóa và từng bước đi vào cuộc sống. Công tác cán bộ đã có những đổi mới về nội dung, phương pháp và cách làm, mang lại kết quả tích cực...

ADQuảng cáo

Thời gian qua, nhiều chủ trương, giải pháp lớn về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước đã được thể chế hóa, cụ thể hóa và từng bước đi vào cuộc sống. Công tác cán bộ đã có những đổi mới về nội dung, phương pháp và cách làm, mang lại kết quả tích cực. Các khâu của công tác cán bộ được thực hiện ngày càng đồng bộ, dân chủ, công khai trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời đề cao trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu tổ chức trong hệ thống chính trị. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung được nâng lên cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác cán bộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, chưa trở thành động lực cho sự phát triển. Nhiều yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục, nhất là chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Các loại “chạy chức”, “chạy quyền”... với những diễn biến ngày càng phức tạp. Đây chính là nguyên nhân của mất đoàn kết, trì trệ trên một số mặt của đời sống xã hội.

ADQuảng cáo

Chúng ta đều biết, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Bác Hồ đã chỉ rõ: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Theo Người, vấn đề cán bộ là vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp, do đó, Đảng phải biết rõ cán bộ, phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng, phải khéo dùng cán bộ, phải giữ gìn cán bộ. Do đó, việc đổi mới công tác cán bộ mà chúng ta đang thực hiện cần được nhìn nhận trên các mặt: xác định tiêu chuẩn, tuyển chọn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, quản lý và chính sách cán bộ...

Thực tiễn đời sống chính trị cho thấy, nơi nào công tác cán bộ được thực hiện tốt, đúng quy trình, quy định thì nơi đó không có mâu thuẫn, khiếu kiện, các hoạt động của đơn vị diễn ra thuận lợi. Nơi nào vi phạm thì tự khắc nội bộ lục đục, bè phái, phát sinh khiếu kiện, hoạt động đình trệ. Song, trong công tác cán bộ, có nơi việc bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ thực hiện đúng chủ trương, quy trình, nhưng vẫn để những cán bộ được nắm giữ cương vị không xứng tầm với trình độ, năng lực của chính bản thân cán bộ đó. Có nơi cán bộ được bổ nhiệm chưa lâu đã phát hiện sai phạm. Cá biệt có trường hợp cán bộ có khuyết điểm, có dư luận xấu, vẫn được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng đã chỉ rõ: “Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”.

Để khắc phục những yếu kém trong đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ, chúng ta cần tiếp tục đổi mới hơn nữa cả về nội dung và cách làm trong công tác này. Đó là cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị ở các cấp về vị trí, vai trò quan trọng của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; hoàn thiện chế độ bầu cử, cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức; cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm và từ chức của cán bộ; cơ chế sàng lọc và thay thế trong những trường hợp cần thiết. Việc dân chủ, công khai hóa phải được thể hiện ở tất cả các khâu của công tác cán bộ, từ tuyển chọn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá cán bộ phải thật sự khoa học, khách quan, công tâm, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai. Lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu, chống các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc trong đánh giá cán bộ, khắc phục tình trạng nể nang, cảm tính, dĩ hòa vi quý. Thực tế hiện nay, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất và chậm được khắc phục, nên dễ dẫn đến khuynh hướng: Đánh giá cán bộ sơ sài, chủ yếu nêu ưu điểm, né tránh và chưa thẳng thắn chỉ rõ yếu kém, khuyết điểm. Hoặc là thiếu khách quan, hẹp hòi, định kiến trong nhận xét, đánh giá cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ sẽ giúp cán bộ phát huy tốt sở trường, đồng thời không bỏ sót người tốt, chọn nhầm người xấu... Phải thường xuyên giám sát, kiểm tra cán bộ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm, sai lầm.

Việc sớm khắc phục những yếu kém trong đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ, lựa chọn những cán bộ có đức, có tài; sử dụng cán bộ đúng vị trí, sở trường là những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác cán bộ hiện nay. Đây vừa là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, vừa là mục tiêu và yêu cầu tất yếu, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới. Đây cũng chính là vấn đề quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những việc cần làm ngay về xây dựng Đảng: Tích cực đổi mới công tác đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO