Lắng nghe dân để xây dựng Đảng, chính quyền (kỳ 2): Xây dựng mối liên hệ các bên bền chặt, thống nhất, đồng thuận

Hoàng Hoài| 24/09/2018 09:49

Mặc dù các cấp Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã tổ chức nhiều diễn đàn từ trực tiếp đến gián tiếp để nhân dân nói lên tiếng nói của mình, nhưng trên thực tế, tại nhiều địa phương, việc tổ chức cho nhân dân góp ý vẫn còn mang tính hình thức nên cần phải có những giải pháp thiết thực hơn để khắc phục. Trong đó, điều quan trọng nhất là các bên cần xây dựng mối liên hệ bền chặt, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao.

Lắng nghe dân nhằm xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh là giải pháp để Mặt trận phát huy hiệu quả vai trò của mình. Ảnh: Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Điểu Xuân Hùng tiếp xúc với người dân tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa)

Nhiều địa phương chưa thực sự lắng nghe dân

Năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 218 quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quyết định quy định chủ thể góp ý là MTTQ, các đoàn thể chính trị và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, người lao động và công dân.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, trong tổ chức góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp mặc dù đóng vai trò chủ trì, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong cách làm và định hướng nội dung. Công tác phối hợp trong từng nội dung chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa trở thành tiếng nói chung, trách nhiệm chung trong tổ chức thực hiện theo quy định. Một số địa phương, đơn vị còn lúng túng trong lựa chọn nội dung nhất là cấp cơ sở.

Nguyên nhân là do tâm lý e ngại, nể nang, né tránh, mang tính chủ quan. Cơ chế, chính sách điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân có thể nắm bắt thông tin về hoạt động của lãnh đạo Đảng, quản lý Nhà nước chưa được thường xuyên, công khai. Phương thức hoạt động góp ý tuy đã có những sáng tạo nhất định, nhưng nhìn chung vẫn còn chậm đổi mới, chưa đa dạng hình thức góp ý, việc góp ý trực tiếp chưa được coi trọng, hành chính hóa...

Bà Vũ Thị Bích (bên phải), Trưởng Ban công tác mặt trận thôn 2, xã Thuận Hà  luôn nghe dân góp ý để kịp thời tham mưu cho chi bộ, ban tự quản trong hoạt động

Tại nhiều địa phương, MTTQ chưa tổ chức riêng các diễn đàn để nhân dân góp ý mà chủ yếu là qua các cuộc tiếp xúc cử tri, hội họp thôn xóm. Trên thực tế, các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân chỉ nêu lên những vấn đề bức xúc liên quan đến cá nhân, gia đình cần giải quyết, chứ chưa góp ý, đề xuất giải pháp để xây dựng Đảng, chính quyền.

Theo ông Đặng Đình Hiếu, Phó Chủ tịch MTTQ huyện Krông Nô, các nội dung trong Quyết định 218 vẫn còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Đa số Mặt trận các cấp vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên chỉ làm từ từ từng bước một, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Ví dụ, để lấy ý kiến của nhân dân góp ý thông qua các hội nghị hay văn bản, Mặt trận các cấp đều làm theo diện điểm rồi dần dần mở rộng. Cũng chính vì hạn chế này mà hiện nay, trên địa bàn tỉnh, chưa có đơn vị nào tổ chức lấy ý kiến góp ý nhân dân một cách rộng rãi.

Điều cần nói ở đây, mặc dù ban hành đã 5 năm, nhưng tại nhiều địa phương, cán bộ mặt trận vẫn chưa hiểu rõ về Quyết định 218, nhất là việc hướng dẫn nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Dẫn đến, việc triển khai tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý chưa hiệu quả, chưa thực sự phát huy được vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện quyết định.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động. Tại thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), chỉ vì chưa đặt mình vào vị trí của người dân, lắng nghe dân nói và góp ý trong xây dựng, quy hoạch cũng như về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nên dẫn đến tình trạng một loạt cán bộ đứng đầu vi phạm và bị xử lý kỷ luật. Và cũng vì thiếu lắng nghe dân mà việc quy hoạch quảng trường của huyện không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Điều này đã làm cho niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền, cán bộ bị giảm sút.

Từ góp ý của người dân, cán bộ xã Tâm Thắng (Cư Jút) đã có nhiều thay đổi trong ứng xử, giao tiếp với nhân dân

Xây dựng quy trình tập hợp các ý kiến đóng góp

Theo đồng chí Lê Kim Huy, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, để huy động được sức dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, yêu cầu đầu tiên đó là quy định phải cụ thể, sát thực, dễ hiểu, dễ làm. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cần nghiên cứu, xây dựng quy trình tập hợp các ý kiến đóng góp, kiến nghị của nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò và trí tuệ của các thành viên MTTQ, nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, người uy tín, đoàn viên, hội viên và sự ủng hộ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Còn theo ông Phạm Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, dựa vào dân luôn là vấn đề được Mặt trận các cấp trong tỉnh quan tâm. Bởi cán bộ mặt trận chính là những người gần dân và sát dân nhất, nên đây chính là một trong những kênh quan trọng để nhân dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, góp ý cho tổ chức và cán bộ, đảng viên mọi lúc, mọi nơi. Qua thực tế triển khai thực hiện, MTTQ tỉnh thấy, để nhân dân tích cực đóng góp ý kiến cho Đảng, chính quyền, trước hết, Mặt trận các cấp cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức triển khai thực hiện đúng quy trình, quy định; bố trí cán bộ có năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm thực tiễn tham gia hoạt động góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Nhiệt tình, sẵn sàng trợ giúp người dân trong giải quyết các thủ tục giấy tờ là điều nhận thấy rõ nét nhất của cán bộ tiếp dân ở xã Tâm Thắng (Cư Jút)

Mỗi tổ chức Mặt trận cần cụ thể hóa việc lấy ý kiến nhân dân với những hình thức phù hợp, không rập khuôn, cứng nhắc và gợi ý nội dung để việc góp ý có trọng tâm, trọng điểm, đi đúng hướng với tinh thần xây là chính. Mặt trận các cấp và các đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Việc không ngừng nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát huy dân chủ nói chung, lấy ý kiến quần chúng trong đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng nói riêng cũng cần được chú trọng.

Phát huy những cách làm sáng tạo

Qua thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh, một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo phát huy dân chủ, trưng cầu ý dân trong xây dựng Đảng, chính quyền có thể nhân rộng. Một số địa phương tổ chức hội nghị quần chúng lấy ý kiến đóng góp đối với cán bộ chủ chốt cấp xã và cấp thôn; huy động nhân dân tham gia giám sát đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng; phát phiếu cho quần chúng ghi ý kiến đóng góp.

Các cuộc hội họp, sinh hoạt cộng đồng là một trong những diễn đàn để nhân dân trực tiếp góp ý cho cán bộ, đảng viên và cấp ủy, chính quyền

Theo ông Phạm Ngọc Hộ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá cán bộ, đảng viên cần chu đáo, nội dung đánh giá cần cụ thể, sát từng đối tượng. Những tiêu chuẩn về chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng và mẫu phiếu phải được chuẩn bị chu đáo, gửi cho quần chúng trước để ý kiến đóng góp có chất lượng hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, nhất là sự hiểu biết về công tác xây dựng Đảng cần được chú trọng.

Qua đó, các ý kiến đóng góp của quần chúng mới bảo đảm khách quan, tránh những biểu hiện định kiến cá nhân hoặc lợi dụng hình thức góp ý kiến với động cơ không trong sáng, thiếu tính xây dựng. Mặt trận là nơi tiếp nhận, xử lý thông tin các ý kiến đóng góp của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, nên sau khi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và có câu trả lời thì cần thông tin lại cho người dân biết để bảo đảm tính hai chiều. Có như vậy, mối liên hệ giữa Mặt trận với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng, chính quyền mới được bền chặt, trên tinh thần xây dựng, thống nhất và đồng thuận cao.

Có thể nói, để nhân dân tích cực góp ý cho Đảng, chính quyền, bên cạnh sự vào cuộc của Mặt trận các cấp, cán bộ, đảng viên cũng cần phải xây dựng cho được phong cách làm việc gần dân, trọng dân, bám sát cơ sở với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Khi các cơ quan có thẩm quyền cao nhất biết cầu thị, lắng nghe dân thì nhân dân ắt tin tưởng và đồng thuận, bộ máy của Đảng, chính quyền mới ngày càng trong sạch, vững mạnh. Về phía nhân dân cũng cần tích cực đóng góp ý kiến cho tổ chức, cá nhân. Bởi những người đứng đầu địa phương chủ yếu do nhân dân bầu ra, giám sát những việc làm của cán bộ, đảng viên, kịp thời chỉ rõ những ưu, khuyết điểm để sửa chữa, đồng nghĩa với việc niềm tin của mình đặt đúng người, đúng việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe dân để xây dựng Đảng, chính quyền (kỳ 2): Xây dựng mối liên hệ các bên bền chặt, thống nhất, đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO