Ðắk Nông sở hữu một hệ thống núi lửa trẻ độc đáo, đặc sắc

Nhóm P.V thực hiện| 25/11/2022 08:49

Nhân dịp Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” được tổ chức tại Đắk Nông, Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS. TS Trần Tân Văn, Thành viên Hội đồng CVĐCTC UNESCO xung quanh hoạt động này.

ADQuảng cáo

PV:Là người đưa di sản CVĐCTC Việt Nam tham gia mạng lưới CVĐCTC UNESCO, trong đó có CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, vậy quá trình thực hiện hồ sơ đệ trình có khó khăn gì thưa ông?

PGS. TS Trần Tân Văn: Các nước ở trên thế giới nói chung khi xây dựng và phát triển CVĐC đã có những điều kiện về tự nhiên, xã hội, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng tốt, đặt biệt là công tác bảo tồn, phát huy giá trị tự nhiên, văn hóa thuận lợi. Trong khi đó, ở Việt Nam, mặc dù tiềm năng về các giá trị di sản tự nhiên, văn hóa lớn, thế nhưng lại khó khăn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trình độ dân trí, nhận thức của cộng đồng. Do đó, chúng ta đã phải mất khá nhiều công sức trong tuyên truyền, quảng bá, làm cho chính quyền và cộng đồng địa phương nhận thức rõ thế nào là CVĐC. Đó không phải là một khu bảo tồn nghiêm ngặt như là truyền thống, các khu di sản thế giới hay khu dự trữ sinh quyển thế giới mà đây là diện tích phát triển bền vững. Tại đây, chúng ta vừa làm công tác bảo tồn những cái vị trí cụ thể, đồng thời lại cho phép các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội khác hoạt động hợp pháp, hợp lệ, thân thiện với môi trường và thân thiện với cộng đồng.

Đồ họa: P.V

PV:Quá trình làm hồ sơ đệ trình, ông nhận thấy CVĐCTC UNESCO Đắk Nông có gì khác so với các CVĐCTC khác?

PGS. TS Trần Tân Văn: Yêu cầu của Mạng lưới CVĐCTC UNESCO là tất cả các CVĐC thành viên đều phải khác nhau và CVĐC Đắk Nông cũng tương tự như vậy. Cái khác của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là các CVĐC miền Bắc phần lớn là vùng đá vôi, chiếm diện tích đến một nửa, thậm chí là 60- 70%, trong khi đó, ở Đắk Nông lại hơn một nửa diện tích là đá phun trào bazan. Đặc biệt, Đắk Nông có một hệ thống núi lửa rất trẻ, sản sinh ra một hệ thống hang động núi lửa đồ sộ, đặc sắc nhất khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Khu vực CVĐC Đắk Nông có hàng trăm hang động núi lửa, nhưng cho đến nay chỉ có khoảng 50 hang động núi lửa đã được điều tra, khảo sát và đo vẽ. Trong đó, có 1 cái hang dài đến hơn 1 km và tổng chiều dài các hang động cho đến nay được đo vẽ đã lên đến hơn 10.000m. Đặc biệt nhất so với toàn thế giới cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra các di chỉ khảo cổ của người tiền sử, có cả bộ di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa. Qua đánh giá được biết rằng, đó là di cốt người tiền sử từ cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm thuộc Văn hóa Hòa Bình. Đây là điểm rất độc đáo, đặc sắc chưa có nơi nào ở trên thế giới phát hiện ra.

ADQuảng cáo

PV: Vì sao Mạng lưới CVĐCTC UNESCO lại chọn Đắk Nông làm đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị ISV20, thưa ông?

PGS.TS Trần Tân Văn: Hội thảo Quốc tế về Hang động núi lửa là một sự kiện được tổ chức 2 năm một lần. Đây là hoạt động tuyền thống, đến bây giờ là lần thứ 20 trên thế giới. Vì Việt Nam, cụ thể là Đắk Nông đã và đang sở hữu một hệ thống núi lửa trẻ và hệ thống hang động núi lửa rất độc đáo, đặc sắc cho nên chúng ta đã được Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế chấp thuận. Tại đây, có CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, nên nhân dịp này, chúng ta tổ chức Hội thảo khoa học 15 năm phát triển CVĐC ở Việt Nam. Hội thảo nhằm đánh giá lại những thành tựu, rút ra bài học kinh nghiệm và trao đổi định hướng phát triển trong thời gian tới.

Tôi tin rằng, hệ thống núi lửa và hang động núi lửa của Đắk Nông cũng, đã, đang và sẽ được tuyên truyền quảng bá rộng khắp để giúp địa phương phát huy được những giá trị di sản. Các giá trị khác của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông sẽ được bảo tồn, được trân trọng và phát huy giá trị.

PV:Sau khi được công nhận danh hiệu CVĐCTC, ông nhận thấy Đắk Nông đã phát huy tiềm năng, thế mạnh này như thế nào?

PGS.TS Trần Tân Văn: Cũng hơi đáng tiếc, sau khi công nhận thì đại dịch Covid-19 diễn ra, làm cho chúng ta mất khoảng hơn 2 năm và ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Bây giờ quay trở lại, chúng tôi nhận thấy có nhiều thay đổi kể từ khi CVĐCTC được công nhận. Đó là nhận thức của cộng đồng địa phương, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh đã biết được thế nào là di sản, di sản địa chất, du lịch, thế nào là CVĐC. Đây sẽ là lực lượng chủ chốt trong việc xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trong vài năm tới.

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Nông sở hữu một hệ thống núi lửa trẻ độc đáo, đặc sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO