Xử lý chợ nông thôn hoạt động kém hiệu quả khó khăn: Bài học từ “chuyện đã rồi”

Thanh Nga| 02/04/2015 09:59

Thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện đưa ra giải pháp và đã khắc phục được một số chợ nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động nhưng kém hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều chợ chưa xử lý được. Đây thực sự là một bài học từ “chuyện đã rồi” trong việc quy hoạch, đầu tư chợ nông thôn hiện nay.

ADQuảng cáo

Theo Sở Công thương, trong số 7 chợ không hoạt động và 2 chợ hoạt động kém hiệu quả thì đến nay, toàn tỉnh đã khắc phục được 5 chợ. Trong số 5 chợ đã hoàn thành việc khắc phục thì chợ xã Quảng Trực (Tuy Đức) là chợ duy nhất đưa vào hoạt động.

Nhiều chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh còn tạm bợ, nhếch nhác. Ảnh: Đ.D

Trước đây, chợ xã Quảng Trực không hoạt động do người dân không vào chợ để mua bán mà chỉ tập trung mua hàng tại các điểm kinh doanh thuộc khu vực trước chợ nên các tiểu thương trong chợ phải đóng cửa. Ngoài ra, hệ thống thoát nước mặt, nhà vệ sinh, điện, nước, phòng cháy chữa cháy chưa được đầu tư một cách đồng bộ.

Trước thực trạng này, UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo các phòng chức năng và UBND xã Quảng Trực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nêu trên và tuyên truyền vận động các hộ đăng ký vào kinh doanh trong chợ. Đến nay, chợ Quảng Trực đã hoạt động tương đối hiệu quả, thu hút 70 hộ tiểu thương vào kinh doanh, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân địa phương.

4 chợ còn lại được các cấp chính quyền giải quyết bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng. Chợ xã Chư K’nia (Chư Jút) không hoạt động do số hộ đăng ký kinh doanh trong chợ ít và nhu cầu của người dân chưa có và đến nay đã được UBND huyện Chư Jút chuyển đổi thành trung tâm văn hóa xã.

Chợ xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) cũng thuộc diện không hiệu quả và vừa được UBND huyện Đắk R’lấp cho Công ty TNHH Trọng Tiến thuê để kinh doanh hàng hóa. Chợ xã Quảng Phú (Krông Nô) do địa điểm và mô hình chợ không phù hợp với điều kiện sinh hoạt, mua bán của nhân dân nên không hoạt động. Hiện nay, chợ đã xuống cấp và huyện Krông Nô đã có chủ trương quy hoạch chợ Quảng Phú tại vị trí mới và đang xây dựng phương án kêu gọi đầu tư.

Chợ Nông sản Nam Dong (Chư Jút) sau khi xây dựng cũng nhiều năm không hoạt động. UBND huyện xin chuyển công năng sử dụng và đã được UBND tỉnh cho Công ty TNHH Nông Nghiệp MJ Việt Nam thuê làm văn phòng làm việc, xây dựng nhà máy sấy, kho bãi để thu mua nông sản.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện vẫn còn 4 chợ nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả nhưng vẫn chưa khắc phục được. Chợ xã Ea Pô (Chư Jút) nhiều năm nay không hoạt động. Các ki ốt bên ngoài khu vực nhà lồng được xây dựng thành nhà ở che khuất chợ và đường vào khu vực nhà lồng hẹp nên không có lợi thế về mặt thương mại.

UBND huyện đang có phương án giải phóng mặt bằng để nâng cấp mở rộng khuôn viên chợ và hoàn thiện hệ thống thoát nước mặt, hệ thống điện, cấp nước, phòng cháy chữa cháy để tuyên truyền vận động người dân, tiểu thương vào kinh doanh nhưng chưa thực hiện quyết liệt nên số lượng hộ kinh doanh trong chợ ít và hiệu quả sử dụng chợ chưa cao.

Đắk Song là huyện còn tới 3 chợ chưa được giải quyết. Chợ liên xã Nam Bình - Thuận Hạnh (Đắk Song) không phát huy hiệu quả do việc xây dựng chưa dựa trên nhu cầu và đề xuất của nhân dân, vị trí xây dựng lại không phù hợp. UBND huyện đã đưa ra phương án cải tạo để chuyển mục đích sử dụng sang làm trường mầm non nhưng do vốn đầu tư lớn, dự kiến trên 1 tỷ đồng nên hiện tại huyện chưa bố trí được nguồn kinh phí.

Mặt khác, việc đầu tư xây dựng trường mầm non tại thôn 3, xã Nam Bình trong giai đoạn này được địa phương cho là chưa thật sự cần thiết do số lượng học sinh ít nên tạm thời chưa chuyển đổi. Còn chợ liên xã Đắk Môl- Đắk Hòa và chợ xã Trường Xuân đều không hoạt động do hệ thống hạ tầng chợ chưa được đầu tư đồng bộ.

Chợ liên xã Đắk Môl - Đắk Hòa còn vướng một bất cập đó là có 4 lô đất phía trước mặt đường vào chợ đã được các hộ dân chuyển quyền sử dụng nên gây bức xúc cho tiểu thương. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tiến hành các thủ tục thu hồi 4 lô đất trước cổng chợ liên xã và đền bù theo giá đất năm 2012 của tỉnh nhưng các hộ có đất lại yêu cầu được đền bù theo giá thị trường nên đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết dứt điểm.

Có thể thấy, việc giải quyết các chợ nông thôn kém hiệu quả vẫn còn mang tính tình thế theo hướng “việc đã rồi” và chủ yếu phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Các chợ chưa được giải quyết vẫn đang trong tình trạng “bế tắc”, chưa có giải pháp hữu hiệu. Trước thực tế này, Sở Công thương đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện Chư Jút và Đắk Song quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng tại các chợ bởi đó là điều kiện cần thiết để chợ đi vào hoạt động.

Các đơn vị liên quan sớm giải quyết dứt điểm đơn kiến nghị của các hộ dân liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng các lô đất trước chợ Đắk Môl- Đắk Hòa và có biện pháp kiên quyết, xóa bỏ các điểm tụ họp buôn bán kinh doanh gần khu vực các chợ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi các hộ kinh doanh, người dân vào chợ mua bán. Đối với chợ liên xã Nam Bình – Thuận Hạnh, huyện cần nghiên cứu chuyển đổi mục đích sử dụng sang các công trình công cộng khác cần thiết và hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý chợ nông thôn hoạt động kém hiệu quả khó khăn: Bài học từ “chuyện đã rồi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO