Xây dựng công trình bảo tàng là yêu cầu đặt ra của cuộc sống

V.H| 12/07/2018 08:32

Là một bộ phận quan trọng của ngành văn hóa, bảo tàng có chức năng sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể; kiểm kê, bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể, tham gia nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống… Chức năng quan trọng là vậy, thế nhưng do nhiều khó khăn khách quan, đến nay gần 15 năm "tạm cư", Bảo tàng tỉnh vẫn chưa có trụ sở làm việc, nhà trưng bày hiện vật và kho bảo quản hiện vật.

ADQuảng cáo

Bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh tư liệu

Nhiều năm nay Bảo tàng tỉnh phải “tạm cư” thông qua việc mượn một số phòng của Trung tâm Văn hóa tỉnh để làm việc, làm kho chứa hiện vật nhưng vẫn không có nơi để trưng bày hiện vật. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng cán bộ, nhân viên bảo tàng đã có nhiều cố gắng, tích cực trong hoạt động công tác chuyên môn, nhất là việc sưu tầm, bảo quản hiện vật. Hiện Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ khoảng 18.000 hiện vật; trong đó có 521 hiện vật văn hóa dân tộc; 2.110 hiện vật lịch sử cách mạng; 13.200 hiện vật khảo cổ học; 2.256 tài liệu, hình ảnh, sách báo và hiện vật khoáng sản tự nhiên…

ADQuảng cáo

Với số lượng hiện vật lớn như vậy nhưng hiện diện tích kho cơ sở của Bảo tàng chỉ vẻn vẹn 30m2, trong khi số lượng hiện vật sưu tầm lại ngày một nhiều, làm cho việc sắp xếp hiện vật theo từng chất liệu càng thêm khó khăn. Mặt khác, một số trang thiết bị bảo quản hiện vật tối thiểu như máy hút ẩm, hút bụi, quạt thông gió vẫn chưa có nên các loại hiện vật có tính năng hút ẩm như đồ mây tre, vải, giấy rất dễ bị ẩm, mốc. Các hiện vật được cấu tạo từ chất liệu vô cơ như kim loại, đồ đá, thủy tinh và hợp chất hữu cơ như giấy, tre gỗ, xương động vật cũng rất dễ gãy vỡ, ảnh hưởng đến tuổi thọ của hiện vật…  

Do chưa có trụ sở làm việc cũng như nhà trưng bày nên việc trưng bày, giới thiệu hiện vật cho người dân, khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu là hết sức hạn chế, có hiện vật lớn phải để ngoài hành lang, thậm chí cả chân cầu thang... Hiện vật bảo tàng là “một ngân hàng dữ liệu” về vùng đất con người, văn hóa, bản sắc dân tộc nhưng do không có nơi trưng bày nên phần lớn các hiện vật có nguy cơ trở thành “hiện vật chết”. Chỉ những khi có sự kiện quan trọng nào đó thì mới có cơ hội để đem một số hiện vật ra trưng bày phục vụ khách tham quan.

Nhìn sang các tỉnh bạn ở khu vực Tây Nguyên, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi thấy các bảo tàng của họ rất bề thế, bài bản. Với cách làm bảo tàng tiên tiến, Bảo tàng các dân tộc Đắk Lắk đã trở thành điểm tham quan du lịch hàng đầu của thành phố Buôn Ma Thuột và của tỉnh Đắk Lắk. Và điều ít ai ngờ rằng, với nguồn thu từ khách du lịch, Bảo tàng Đắk Lắk đã tự chủ được kinh phí hoạt động và có dư nộp ngân sách. Đây là một minh chứng cho tính hiệu quả của vấn đề “kinh tế trong văn hóa”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng công trình bảo tàng là yêu cầu đặt ra của cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO