Vượt lên nỗi đau da cam

Hoàng Hoài| 09/08/2019 10:02

Dù mang trong mình nhiều di chứng, bệnh tật do ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trong chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, song nhiều nạn nhân chất độc da cam ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, vượt qua nỗi đau da cam.

ADQuảng cáo

Thấy vui vì vẫn có ích cho xã hội

Năm 1967, ông Nguyễn Bá Hòe ở thôn 10, xã Đắk Wer tham gia bộ đội, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ và bị nhiễm chất độc da cam lúc nào không hay. Trở về đời thường, không những bản thân bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ mất sức khoảng 60%, mà sau này trong số bốn người con sinh ra, ông Hòe còn có một người con bị ảnh hưởng di chứng da cam ở mức độ 61%. Riêng bản thân ông Hòe, mỗi khi trái gió trở trời lại thường xuyên bị tê một bên người, đau đầu và thần kinh ngoại biên. Thế nhưng, ông vẫn không ngại khó, ngại khổ, kiên trì trên mặt trận kinh tế, tích cực tham gia công tác xã hội.

Dù tuổi cao, sức khỏe không ổn định, nhưng ông Nguyễn Bá Hòe ở thôn 10, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) vẫn luôn kiên trì trong phát triển kinh tế

Năm 2005, gia đình ông Hòe khăn gói lên Đắk Nông làm kinh tế với ước mơ thoát được nghèo. Đến đây, ông dồn hết vốn liếng tích cóp nhiều năm để mua 1,5ha đất trồng trọt. Khi biết ông mua mảnh đất này, bà con xung quanh đều cho rằng, ông sẽ không thể trồng được cây gì, vì đây vốn là quả đồi, đất cằn cỗi, không có sông suối để lấy nước tưới. Nghe mọi người nói, vợ chồng ông lo lắng vô cùng, nhưng không thể làm gì khác được. Vì vậy, vợ chồng ông động viên nhau phát nương rẫy để trồng trọt.

Theo ông Hòe kể lại, ban đầu không có tiền mua cây cà phê giống, nên ông phải xin giống của các hộ khác về để trồng. Khi không có nước tưới, ông đi xin từng thùng nước về tưới cho cây. Cứ như vậy, đất cũng không phụ công người, cây trồng phát triển tốt, ông mới thắp lên hy vọng thay đổi cuộc sống. Khi cà phê có thu hoạch, ông tiết kiệm được ít vốn để khoan giếng rồi nuôi thêm gà, heo để tăng thu nhập. Bằng việc ham học hỏi, chịu khó tìm hiểu khoa học kỹ thuật để áp dụng, nên cà phê đạt năng suất cao, trung bình 6 tấn nhân/ha.

Ông Hòe cho biết: “Ở đây, tôi chú trọng tỉa cành đúng thời điểm, đúng cách, ủ phân chuồng, sử dụng phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học để vừa cải tạo đất, vừa giúp cây trồng phát triển bền vững. Trong vườn, tôi cũng trồng xen thêm một số loại cây ăn trái để nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích. Cũng có người nói với tôi, già rồi thì nghỉ đi để con cháu làm, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi làm vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để con cháu biết và ý thức hơn trong lao động sản xuất. Những năm sau này, khi đủ ăn đủ mặc, mỗi năm tôi đều dành dụm một khoản tiền và năm 2016 đã xây dựng được căn nhà khang trang, kiên cố”.

Thông qua vận động của ông Hòe (phía trong), hội trường thôn được xây dựng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con

ADQuảng cáo

Không chỉ cần cù trong lao động sản xuất, ông Hòe còn tích cực tham gia công tác xã hội. Nhiều năm nay, ông là cán bộ Mặt trận của thôn. Dù bệnh tật, công việc nhiều, nhưng ông vẫn tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực trong lao động sản xuất, xây dựng thôn xóm phát triển. Nhiều năm nay, ông Hòe không quản đường sá khó khăn, trời mưa hay nắng đều đến từng nhà, cụm dân cư thông báo cho bà con biết những việc liên quan đến đời sống. Như trong làm hội trường thôn, ông đã vận động con cháu hiến đất và mỗi hộ đóng góp 500.000 đồng để xây dựng. Thôn 10 hiện có 110 hộ dân thì chỉ còn 7 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo.

Luôn vui vẻ, lạc quan,  tin tưởng

Năm 1974, ông Vũ Hữu Nghĩa hiện ở thôn 7, xã Đắk Wer đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Năm 1981, ông xuất ngũ và sau đó tình nguyện vào Tây Nguyên theo diện kinh tế mới. Hàng chục năm gắn bó với mảnh đất này, dù nhiều lúc bệnh tật hành hạ do di chứng da cam, nhưng ông vẫn kiên trì, bền bỉ, vươn lên trong phát triển kinh tế.

Cửa hàng xay xát mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình ông Vũ Hữu Nghĩa ở thôn 7, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp)

Theo ông Nghĩa tâm sự, khi mới đặt chân đến đây, Đắk Wer chỉ là nơi hoang vu, nhìn đâu cũng chỉ cây cối rậm rạp, nhà cửa thưa thớt. Gia đình ông nhiều lúc cơm không đủ ăn, phải ăn rau rừng, trái cây rừng cho đỡ đói. Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng chưa lúc nào ông kêu ca hay than vãn. Ngược lại, ông luôn nhắc nhở bản thân, chiến tranh loạn lạc, sống chết mong manh còn không nản, huống gì giặc đói. Từ đó, với đôi bàn tay, vợ chồng ông nỗ lực lao động không kể việc khó hay dễ, chỉ cần việc làm chân chính. Với đức tính lao động cần mẫn, vừa làm vừa tích lũy, sau một thời gian, vợ chồng ông đã có 7-8ha đất để trồng cà phê.

Ông Vũ Hữu Nghĩa cho biết:

Khổ mấy cũng đã nếm trải, nên khi may mắn được sống ở thời bình thì dù bệnh tật vì di chứng da cam luôn hành hạ nhưng chúng tôi vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau, nhìn lên mình không bằng ai, nhưng nhìn xuống không ai bằng mình, có những gia đình nạn nhân chất độc da cam còn bất hạnh, khổ cực hơn mình nhiều để từ đó nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Quá trình chăm sóc cà phê cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nên ông đã mày mò học hỏi kỹ thuật từ những hộ đi trước. Cứ như vậy, vừa kết hợp trồng cà phê với cây ngắn ngày và chăn nuôi nhỏ lẻ, sau một thời gian, cuộc sống gia đình ông không chỉ đủ ăn mà còn tích lũy được chút vốn để lo cho tuổi già. Vài năm trở lại đây, một phần tuổi cao cộng thêm bệnh tật, sức khỏe yếu nên ông không thể lao động nặng. Vì vậy, vợ chồng ông đã chuyển sang mở cửa hàng xay xát lúa gạo, cung ứng cho bà con và các đầu mối trong vùng.

Có lẽ do “có duyên” với buôn bán, nên khách hàng tìm đến cửa hàng của gia đình ông ngày một nhiều. Trung bình, mỗi ngày, ông bán được khoảng 1 tấn lương thực và mỗi tháng xay xát khoảng 40 tấn cho bà con. Bên cạnh đó, ông còn chăn nuôi ngan, gà vừa để kiếm thêm thu nhập vừa phục vụ nhu cầu ăn uống của gia đình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt lên nỗi đau da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO