Vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc: Chú trọng bình đẳng giới và quyền trẻ em

Thanh Nga| 01/07/2019 10:41

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, là nơi bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Ngày nay, gia đình Việt Nam đang được xây dựng với những giá trị nhân văn tiến bộ theo tiêu chí “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc” trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em.

ADQuảng cáo

Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình - gắn kết yêu thương” do Hội LHPN phường Nghĩa Đức tổ chức nhằm tạo sân chơi và tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc

Nâng niu, trân trọng tình cảm gia đình

Lập gia đình là một bước ngoặt lớn của cuộc đời và khi ấy cả vợ và chồng đều phải có mục đích chung đó là cùng xây dựng để có cuộc sống hạnh phúc. Chị Đậu Thị Thủy ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Vợ chồng tôi lấy nhau ban đầu cuộc sống rất nhiều khó khăn nhưng cùng đồng cam, cộng khổ và phấn đấu vươn lên nên đã vượt qua tất cả và có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Không chỉ vợ chồng đồng lòng mà các con cũng chăm ngoan, trưởng thành, mỗi thành viên đều quý trọng, xem gia đình là điều quan trọng, quý giá nhất. Trong gia đình, vợ chồng phải tôn trọng nhau, đối xử hài hòa với cả bên nội và bên ngoại. Chúng tôi cũng dạy bảo con cái biết kính trên, nhường dưới, chăm ngoan, hiếu thảo, tránh xa tệ nạn xã hội… từ đó góp phần xây dựng gia đình. Mỗi người bận một công việc nhưng đa số các bữa cơm gia đình chúng tôi đều đông đủ. Chúng tôi thường cùng vào bếp và điều đó giúp cho mỗi người cảm thấy ấm áp, trân trọng, nâng niu tình cảm gia đình”.

Anh Ngô Văn Đường, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Đức cũng cho rằng, gia đình hạnh phúc là điều quan trọng nhất trong cuộc sống và không nên có tư tưởng gia trưởng. Là một người chồng, một người cha và tham gia công tác xã hội nhưng khi về nhà anh vẫn “xắn tay áo” làm việc nhà mà không hề nề hà.

Anh Đường chia sẻ: “Trong thời đại ngày nay, mình không nên có tư tưởng trọng nam, kinh nữ hoặc phân bì việc của đàn ông, việc của đàn bà. Xã hội bây giờ ngày càng bình đẳng, tiến bộ, nên đàn ông vào bếp nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa là chuyện bình thường. Phụ nữ bây giờ họ cũng xông xáo, trở thành người chủ lực tham gia phát triển kinh tế gia đình và công tác xã hội. Là người chồng, mình cũng phải thay đổi tư duy và tôn trọng, xây dựng sự bình đẳng trong gia đình và góp phần phát triển xã hội”.

Tại các diễn đàn trẻ em luôn đề cao trách nhiệm của bố, mẹ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc

Những “nốt nhạc buồn”

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, gia đình truyền thống Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đâu đó vẫn có những gia đình rạn nứt, đổ vỡ. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân đang tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Tình trạng lười lao động, sa vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm… đang xâm nhập vào gia đình. Bạo lực gia đình ngày càng gia tăng, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng lớn làm cho mối liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo.

Không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà bị ảnh hưởng, tình cảm rạn nứt, hạnh phúc bị phá vỡ. Vợ chồng lạnh nhạt, thiếu tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau dẫn đến “mạnh ai nấy đi”. Cha mẹ không quan tâm nhiều đến con cái dẫn đến nhiều hệ lụy... Những nguyên nhân trên cũng làm cho nhiều gia đình phải ly hôn và hậu quả làm tổn thương nhau, trong đó con cái phải chịu nhiều thiệt thòi.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao-Du lịch, năm 2018, toàn tỉnh có 115.359/142.537 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 80,93%, tăng 6.580 hộ so với năm 2017. Trên địa bàn tỉnh, ngày càng xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình nền nếp, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, gia đình ấm no, hạnh phúc. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, mỗi người hãy biết vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc, luôn biết nâng niu, bảo vệ mái ấm của mình!

Đề cao giá trị tốt đẹp của gia đình

Trước thực tế đó, các cấp, các ngành và toàn xã hội đang ngày càng có sự quan tâm sâu sắc để phát huy truyền thống của gia đình Việt Nam. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành phong trào chủ lực góp phần phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt. Công tác tuyên truyền, truyền thông, vận động về xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” ngày càng được chú trọng, hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức tọa đàm, tập huấn, sân khấu hóa, tổ chức các hội thi.

Những năm gần đây, nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hoặc các ngày lễ, nhiều cơ quan, địa phương đã tổ chức thi nấu ăn lấy chủ đề “Bữa cơm gia đình-gắn kết yêu thương” như một khẩu hiệu để kêu gọi mọi người hãy hướng về gia đình.

Ngoài ra, hàng năm, các hoạt động nhân Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) đã được các địa phương trong tỉnh tổ chức, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình trong sự nghiệp xây dựng gia đình, phát triển đất nước. Công tác tuyên truyền đã góp phần xây dựng gia đình, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, hạn chế sự gia tăng của các tệ nạn xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc: Chú trọng bình đẳng giới và quyền trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO