Vui với nghề sửa chữa giày dép cũ

Mỹ Hằng| 20/11/2017 10:16

Đã gần 20 năm nay, bất kể trời mưa hay nắng, anh Trần Công Dũng ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) ngày nào cũng có mặt tại tiệm sửa giày dép cũ của mình nằm ở góc chợ Gia Nghĩa. Những đôi giày dép bị đứt quai, sứt mỏ, hư đế…, nhưng với đôi bàn tay khéo léo, anh đã biến chúng trở lại lành lặn, đẹp mắt.

ADQuảng cáo

Anh Trần Công Dũng luôn cảm thấy vui vẻ với công việc sửa chữa giày dép cũ

Đưa tay nhận lấy đôi giày tróc đế mà khách vừa mới giao, anh Dũng nhanh chóng bắt đầu công việc của mình. Trước tiên, anh dùng miếng vải lót ngang đùi, lấy giấy nhám mài nhẵn phần gót giày, sau đó, dùng một miếng cao su đã quét keo dán, rồi dán vào vừa khít với gót giày. Chỉ sau 5 phút, đôi giày tróc gót đã được anh sửa lại hầu như nguyên vẹn, đi lại nhẹ nhàng, êm ái… Cứ thế, hết đôi này lại đến đôi khác, dù hư cỡ nào anh đều sửa lại một cách đẹp đẽ, theo như ý muốn của khách hàng.

Theo anh Dũng, trước đây, anh chủ yếu làm nghề đóng giày dép da để phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng, nhất là giới công chức, viên chức. Hồi đó, nghề đóng giày da rất ăn khách, nhưng sau một thời gian không thể cạnh tranh với các mặt hàng giày dép công nghiệp, nên năm 1998, anh chuyển sang làm nghề sửa giày dép cũ. Chỉ cần diện tích nhỏ, vừa đủ kê cái tủ đựng các dụng cụ là có thể hành nghề.

Thoạt nhìn, nghề sửa giày dép có vẻ đơn giản, nhưng để thành thạo, phục vụ các loại khách hàng cũng không phải dễ dàng chút nào. Do đó, người thợ cần phải kiên nhẫn, luyện tập thường xuyên, từ cách luồn chỉ, gọt, may đế, cắt ngắn hay nối dài, độn cao… Trải qua những giai đoạn này, người thợ mới có thể tự tin với nghề.

ADQuảng cáo

Công việc của anh bắt đầu từ 7 giờ sáng đến tận chiều tối và chủ yếu tập trung ở các khâu quen thuộc như dán đế giày, gót giày, thay quai, thay dây... Tiền công cho mỗi công đoạn từ 20.000 - 50.000 đồng (tùy theo mức độ hư hỏng cần sửa). Trung bình mỗi ngày anh kiếm được hơn 300.000 đồng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Anh Dũng vui vẻ: “Nghề nào cũng có vất vả riêng của nó và sự uy tín luôn là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tôi luôn cẩn thận trong việc sửa chữa và trả đúng hẹn. Thấy đôi giày hư hỏng được sửa lại như mới, khách vừa ý thì đó là niềm vui của chính mình. Dù vất vả, tay chân lúc nào cũng kèm nhem các loại keo, mực, nhưng tôi cảm thấy rất vui với công việc mà mình đã lựa chọn và chẳng lo phải thất nghiệp”.

Chị Vi Thị Nhung ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cho biết: “Một đôi giày mới mua về, dù xịn đến đâu, nhưng đi được vài tháng chắc chắn cũng bị hư hao chút đỉnh như mòn đế, sứt gót, đứt quai. Vứt đi thì tiếc lắm, nên mỗi lần hư là tôi lại mang ra tiệm anh Dũng để sửa. Thấy đôi giày bị hư đã được sửa lành lặn như ý, tôi cũng cảm thấy vui, tiết kiệm được ít tiền, không phải mua giày mới”.

Ngoài việc sửa chữa, “lên đời” các loại giày dép cũ, anh Dũng còn đóng giày dép mới bằng da bán cho những ai có nhu cầu. Các sản phẩm của anh làm ra cũng được khách hàng ưa chuộng vì vừa bền vừa đẹp. Tuy nhiên, chỉ ai đặt hàng thì anh mới đóng, còn công việc, thu nhập chính hàng ngày vẫn là nghề sửa chữa giày dép cũ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui với nghề sửa chữa giày dép cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO