Vấn nạn tảo hôn ở Đắk Som

Mỹ Hằng| 25/05/2015 09:50

Theo quan niệm lạc hậu của người Mông, trai gái 14-15 tuổi mà chưa lập gia đình thì gọi là “ế”. Vì vậy, từ nhiều năm nay, trên địa bàn xã Đắk Som (Đắk Glong) tình trạng tảo hôn trong đồng bào Mông vẫn diễn ra và đã để lại không biết bao là hệ lụy.

ADQuảng cáo

Lấy vợ từ thuở... 13

Đang học lớp 4, Vàng Thị Sảu ở thôn 3 được ông Lý Văn Sửu ở cùng thôn đến “đặt vấn đề” với gia đình xin hỏi em cho con trai của mình. Vậy là Sảu phải nghỉ học để đi lấy chồng và chỉ sau 2 năm đã sinh được 2 đứa con. Đang ở tuổi vị thành niên mà em vừa chăm con, vừa lo bếp núc nương rẫy nên trông em héo hắt, già hơn trước tuổi rất nhiều.

Vàng Thị Sảu buồn bã nói: “Bố mẹ bảo ở nhà lấy chồng thì lấy thôi, bạn bè cùng trang lứa trong thôn cũng đã lấy chồng hết rồi, không lấy là “ế” đấy”.

Còn Yang Seo Hòa (SN 1998) cũng đã lấy vợ được hơn 6 tháng nay. Nhìn khuôn mặt non nớt của Hòa, ít ai ngờ rằng mấy tháng nữa là em lên chức bố.

Yang Seo Hòa hồn nhiên: “Em lấy vợ từ năm 13 tuổi, cưới được mấy tháng, vợ em ôm áo quần bỏ về nhà bố mẹ đẻ bởi lý do em còn ham chơi, không biết quan tâm vợ. Còn vợ hiện tại là vợ thứ 3 của em rồi đấy. Bố mẹ bảo lấy vợ về cho có người đi nương rẫy, phụ giúp việc nhà, sinh con đẻ cái nên lấy thôi còn tình yêu thì cưới về khắc có”.  

Theo thầy Lê Văn Thái, Hiệu phó Trường THCS Đắk Nang thì tình trạng học sinh người Mông bỏ học giữa chừng để ở nhà lấy vợ, lấy chồng ở đây không phải là hiếm và hầu như năm nào cũng có cả. Từ năm 2004 đến nay, có hàng chục em học sinh bỏ học giữa chừng để lập gia đình. Chỉ tính riêng trong năm học 2014 - 2015 này, Trường đã có 5 trường hợp bỏ học để lập gia đình. Trường cũng đã đến từng nhà để tuyên truyền, vận động phụ huynh tiếp tục cho con đi học, nhưng tập tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào nên đành chịu.

Đông con - nghèo đói - thất học, vòng luẩn quẩn của nhiều hộ đồng bào Mông ở Đắk Som

Và nhiều hệ lụy

ADQuảng cáo

Mặc dù mới 37 tuổi, nhưng anh Thào A Giả ở thôn 1 đã có 9 người con (6 trai, 3 gái). Con gái đầu của anh mới 14 tuổi cũng đã lấy chồng và sinh con đầu lòng.

Anh Giả cho biết: “Theo phong tục của đồng bào Mông thì sinh con nhiều mới hạnh phúc. Nhưng bây giờ, tôi mới biết sinh nhiều con nó khổ như thế nào. Cả gia đình hơn chục người, lại chỉ có hơn 1 ha rẫy trồng sắn và bắp, thu nhập không bao nhiêu nên hàng năm thiếu ăn trong mấy tháng liền...”.

Còn anh Thào A Sì (SN 1978) ở cùng thôn cũng đã “kịp” sinh 8 người con, vậy mà vẫn “vô tư” nói: “Trời sinh voi, sinh cỏ chứ lo gì, bao giờ “hết trứng thì mới hết đẻ”, đông con cho vui cửa vui nhà”.

Tương tự, trên địa bàn xã còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo, nhưng vẫn “cố gắng” sinh nhiều con để vui cửa vui nhà. Hoặc cũng có nhiều gia đình thấy rõ lợi ích của việc sinh ít con và nỗi nhọc nhằn của việc đông con, song họ vẫn chấp nhận, tiếp tục sinh, không những con thứ 3 mà còn sinh đến con thứ 5, thứ 6 trở lên... Cụ thể như gia đình anh Lý Văn Thìn ở thôn 1, chị Vàng Thị Sai ở thôn 4 mỗi nhà có đến 8 đứa con.

Theo thống kê của UBND xã Đắk Som thì toàn xã có 776 hộ đồng bào Mông, với hơn 1.698 nhân khẩu, chiếm 45,7% dân số của xã, sinh sống tập trung tại các thôn 1, 2, 3, 4. Ông K’Tèm, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho rằng, chuyện dựng vợ gả chồng sớm, sinh con nhiều là một trong những tập tục lâu đời của người Mông nên việc vận động, thuyết phục họ sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện đúng luật Hôn nhân và gia đình là một điều không dễ.

Còn theo anh Hồ Quý Liệu, cán bộ tư pháp xã Đắk Som thì không phải người dân nơi đây không biết luật Hôn nhân và gia đình vì hàng năm, địa phương đều tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, “phép vua thua lệ làng” nên việc tảo hôn ở khu vực đồng bào Mông sinh sống luôn diễn ra. Nhiều bậc cha mẹ biết luật, nhưng lại chưa rủ bỏ được hủ tục nên cứ đẩy con trẻ vào vòng luẩn quẩn, kết hôn sớm rồi sinh con đẻ cái.

Do chưa đủ tuổi thành niên nên việc tổ chức lễ cưới cũng được giấu nhẹm và các cặp đôi hầu như không đến UBND xã để làm thủ tục kết hôn. Có những trường hợp cưới nhau đã vài ba năm, có con rồi mới ra xã đăng ký giấy kết hôn. Có trường hợp cả vợ cả chồng cũng chưa đủ tuổi, nhưng vì cần có giấy khai sinh để cho các cháu đi học nên chính quyền địa phương cũng phải làm cho đúng thủ tục là chỉ được ghi tên mẹ, còn giấy đăng ký kết hôn phải đợi đến đủ tuổi mới làm. Từ đầu năm tới nay đã có 5 trường hợp bố mẹ đến UBND xã làm giấy khai sinh cho con, nhưng lại chưa đủ tuổi kết hôn.

Có thể thấy, tệ nạn tảo hôn và sinh con đông trong cộng đồng người Mông ở xã Đắk Som khiến cho công tác xóa đói, giảm nghèo nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Đông con - nghèo đói - thất học, cái vòng luẩn quẩn ấy cứ đeo bám dai dẳng và đè nặng lên tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Hiện trên địa bàn xã có 64,51% hộ nghèo, trong đó đồng bào Mông chiếm hơn 50%.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn tảo hôn ở Đắk Som
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO