Vấn nạn cà phê “bẩn”

Tường Mạnh| 05/08/2015 10:07

Mặc dù được xem là xứ sở đứng nhất nhì thế giới về sản lượng cà phê sản xuất hàng năm, nhưng người tiêu dùng trong nước lại đang phải sử dụng sản phẩm cà phê mà không phải là… cà phê.

ADQuảng cáo

NGUYÊN LIỆU TỪ BẮP, ĐẬU NÀNH

Tại Hội thảo Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên vừa được tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mới đây, một doanh nghiệp có tiếng trong ngành chế tạo máy móc thiết bị phục vụ chế biến sau thu hoạch đã đưa ra một số liệu về thực trạng chế biến sản phẩm cà phê trên thị trường hiện nay khiến nhiều người không khỏi “giật mình”. Đó là, mặc dù là nước có truyền thống uống cà phê từ lâu đời, nhưng có một thực trạng hiện nay là hầu hết các nhà rang xay nội địa đang sử dụng nguyên liệu chính là bắp, đậu nành rang cháy, cộng với hương liệu dưới dạng hóa chất để làm ra cà phê.

Điều này giải thích vì sao là một nước có truyền thống uống cà phê, nhưng chỉ sử dụng khoảng 5% sản lượng cà phê hàng năm cho tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, lượng tiêu thụ cà phê nội địa của nước Braxin lên đến 50% sản lượng do nông dân sản xuất ra hàng năm. Lượng tiêu thụ nội địa cao là một “hậu phương” vững chắc khiến cho người mua nước ngoài không dễ dàng ép giá nông dân được vì họ phải cạnh tranh với những nhà rang xay trong nước.

Theo doanh nghiệp này thì do có thời gian dài tiếp xúc với nhiều nông dân, công ty hoạt động trong ngành sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản xuất khẩu, nhất là cà phê và hồ tiêu nên nắm rất rõ quy trình chế biến cà phê trên thị trường hiện nay.

Điều đó cũng lý giải vì sao hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu đến 95% sản lượng cà phê sản xuất hàng năm dưới dạng cà phê nhân, chưa qua rang xay hay chế biến sâu hơn. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ biết đến thương hiệu của các nhà rang xay hay chế biến hòa tan trên thế giới, trong khi đó để có được tên tuổi, thương hiệu  họ phải cần đến cả trăm năm.

TỰ ỨNG PHÓ VỚI NẠN CÀ PHÊ “BẨN”

ADQuảng cáo

Có thể nói, vấn đề “cà phê sạch, cà phê bẩn” bắt đầu được đề cập đến nhiều là tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4, năm 2013. Lúc bấy giờ, để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm của mình, nhiều nhà sản xuất cà phê đã đưa sản phẩm “cà phê sạch 100%”, hay “cà phê nguyên chất”… ra giới thiệu với người tiêu dùng. Nhiều nhà sản xuất còn đưa máy chế biến cà phê đến ngay tại hội chợ để rang xay cho người tiêu dùng thưởng thức, sau đó được đối chứng với các loại cà phê đã đóng gói để nhận biết mùi vị.

Người tiêu dùng trực tiếp chứng kiến việc rang xay và thưởng thức cà phê nguyên chất tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV. Ảnh: Ngọc Tâm

Tuy nhiên, cà phê có thật sự “sạch” hay “bẩn” thì quả thật khó mà biết được vì đủ loại, đủ kiểu, đủ giá… Bởi vì, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng thật, hàng độn tạp chất cả vì phần lớn cà phê bột đều đóng gói kín.

Rõ ràng, thị trường cà phê bột đang có nhiều lỗ hổng lớn trong khâu quản lý chất lượng. Vì vậy, bản thân người tiêu dùng đành phải ứng phó với nạn cà phê “bẩn” bằng cách yêu cầu chủ quán phải trực tiếp xay cà phê nguyên hạt đã rang ngay tại chỗ, cho dù giá cả có cao hơn chút đỉnh. Và để giữ chân khách hàng, nhiều quán đã trang bị máy xay cà phê hạt để bảo đảm là cà phê “sạch” và lấy giá cao hơn.

Như vậy, để hạn chế được nạn cà phê “bẩn” thì cơ quan chức năng phải thường xuyên vào cuộc kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê bột làm ăn gian dối, tránh những thiệt hại đáng tiếc cho người tiêu dùng... Về phía doanh nghiệp sản xuất cà phê chân chính cũng phải “tuyên chiến” với nạn cà phê “bẩn” bằng cách khẳng định chất lượng, thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

KIỂM ĐỊNH 15 MẪU CHỈ CÓ 1 MẪU ĐẠT YÊU CẦU

Trong đợt thanh, kiểm tra liên ngành vào tháng 6 vừa qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều mẫu sản phẩm cà phê bột đang bày bán trên thị trường không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về chất lượng. Cụ thể, qua kiểm tra, đoàn đã lấy 15 mẫu cà phê bột được bày bán tại các cửa hàng trên địa bàn tỉnh phân tích hàm lượng Caffein. Kết quả phân tích của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy, trong 15 mẫu cà phê này thì chỉ có duy nhất 1 mẫu đạt yêu cầu so với qui định; 14 mẫu cà phê còn lại không đạt yêu cầu về hàm lượng Caffein, mà chủ yếu là sử dụng hương liệu hóa học, chất phụ gia, chất tạo màu không rõ nguồn gốc...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn cà phê “bẩn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO