Vai trò của gia đình trong việc giúp trẻ tự kỷ phát triển bình thường

Hoàng Bảo| 25/05/2016 09:07

Hiện nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song số trẻ bị mắc chứng tự kỷ trên địa tỉnh ngày càng càng tăng, nhất là tại các khu vực thành thị.

ADQuảng cáo

Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) có con trai 3 tuổi, nhưng cháu nói rất ít, thậm chí còn nói lắp. Ban đầu, gia đình cho rằng cháu chậm nói chút thôi, không có gì nghiêm trọng, lớn lên sẽ thay đổi. Thế nhưng, chỉ đến khi đưa con vào TP. Hồ Chí Minh khám, bác sĩ kết luận cháu bị tự kỷ về ngôn ngữ ở mức độ nhẹ.

Theo chị Thúy chia sẻ thì có lẽ từ nhỏ đến lớn, cháu đều ở nhà với người giúp việc, ít được giao lưu với bạn bè, hàng xóm, nên khả năng giao tiếp, nói chuyện hạn chế. Trong khi đó, bố mẹ thì bận rộn công việc, thời gian ở bên con cái để nói chuyện không nhiều có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến cháu ngại nói, không thích nói chuyện. Từ đó, bác sĩ khuyên gia đình quan tâm, nói chuyện cởi mở và tập cho cháu kỹ năng phát âm. Chị Thúy cũng cho cháu đi học trường mầm non để có bạn bè cùng vui chơi, nói chuyện, dần dần rèn luyện kỹ năng nói của mình.

Chị Thúy cho biết: “Ban đầu, khi nghe bác sĩ nói tôi thực sự rất sốc, không tin con mình bị tự kỷ. Nhưng khi nghe bác sĩ chỉ ra và để ý kỹ thấy con mình có những biểu hiện của trẻ tự kỷ ngôn ngữ nên tôi rất buồn. Vì tương lai của con, chúng tôi luôn cố gắng tạo không khí thoải mái, giúp con phát triển ngôn ngữ một cách phù hợp nhất.

Trường hợp con của chị Trần Thị Tuyền ở xã Đắk R’la (Đắk Mil) thì lại bị tự kỷ về vận động. Mặc dù đã 9 tuổi, nhưng con trai của chị rất chậm trong mọi hoạt động từ đi đứng, làm việc gì đó hay bắt chước hành động của người khác. Lúc nhỏ, chị cũng thấy con mình chậm hơn những đứa trẻ khác, nhưng lại cho rằng, trẻ con thì phải có đứa này, đứa nọ, có đứa nhanh, có đứa chậm, chứ không thể giống nhau, sau này lớn lên nó sẽ nhanh. Mãi đến khi con đã học tiểu học, cô giáo có phản ánh về thể trạng của cháu thì gia đình mới chú ý quan sát hơn.

ADQuảng cáo

Sau đó, gia đình quyết định đưa cháu đi khám bệnh và bất ngờ khi biết cháu bị tự kỷ về hành vi. Mặc dù rất suy sụp, không tin vào điều này, nhưng khi nghe bác sĩ tư vấn, vợ chồng chị đã chấp nhận sự thật con mình bị tự kỷ để có kế hoạch giúp con chữa bệnh.

Theo các nhà chuyên môn, tự kỷ là một rối loạn phát triển với các đặc điểm là trẻ thiếu sót khả năng thiết lập và phát triển mối quan hệ với người khác, chậm phát triển về mặt ngôn ngữ cũng như có các hành vi định hình, lặp đi lặp lại. Bệnh thường khởi phát từ rất sớm dưới 36 tháng, và thường được chẩn đoán vào lúc 2 tuổi.

Hiện nay, các nhà chuyên môn chưa xác định được nguyên nhân thực sự tại sao một đứa trẻ sinh ra bình thường, có đầy đủ các bộ phận lại mắc chứng bệnh tự kỷ. Do đó, giải pháp trước mắt để giúp trẻ tự kỷ đó chính là sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của bố mẹ, người thân trong gia đình. Thay vì quá tập trung công việc kiếm tiền, bố mẹ cần dành nhiều thời gian để tâm sự, giúp con làm quen với sự phát triển bình thường.

Việc giúp trẻ phải có quá trình, không thể nóng vội bởi nóng vội hoặc không kiên nhẫn sẽ làm trẻ ngày càng bị động và bệnh nặng hơn. Điều quan trọng là bố mẹ phải để cho con trẻ cảm nhận được tình thương yêu. Trước khi  ổn định tâm lý cho con thì chính bản thân bố mẹ phải có tâm lý ổn định thì mới cùng con “chiến đấu” với bệnh được.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của gia đình trong việc giúp trẻ tự kỷ phát triển bình thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO