Tủ sách pháp luật ở cơ sở hoạt động chưa hiệu quả

Phan Tuấn| 28/04/2014 11:11

Thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có tủ sách pháp luật để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ và nhân dân.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, phần lớn các địa phương xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật chưa hiệu quả; thậm chí nhiều tủ sách gần như “đắp chiếu” trong một khoảng thời gian dài mà không có người đến đọc, tìm hiểu.

Tủ sách pháp luật ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đang bố trí tạm nên ít có người dân đến tìm hiểu

Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương cho thấy, số lượng và chất lượng đầu sách chưa thực sự phong phú; hầu hết các tủ sách đều đặt ở góc khuất của bộ phận “một cửa”, văn phòng và được khóa rất “cẩn thận”.

Nhiều sách, văn bản pháp luật quan trọng mới ban hành không được bổ sung, nhưng một số văn bản pháp luật hết hiệu lực thì vẫn được trưng bày, lưu giữ. Bụi bám nhiều chứng tỏ rất ít người đến đọc hoặc mượn sách tham khảo, nghiên cứu.

Thậm chí ở nhiều nơi, sách về pháp luật còn được đặt chung trong một tủ với các hồ sơ, văn bản làm việc của UBND xã. Bên cạnh đó, việc quản lý tủ sách pháp luật thường được giao cho cán bộ tư pháp xã hoặc cán bộ văn phòng kiêm nhiệm. Những cán bộ này lại thường xuyên bận công việc chuyên môn, nên việc quản lý tủ sách pháp luật vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số địa phương phát triển mạnh dịch vụ Internet còn cho rằng, nếu cần thông tin gì cứ “nhấp chuột” là có hết.

ADQuảng cáo

Theo khảo sát, đánh giá của Sở Tư pháp, thông qua lấy ý kiến của người dân tại các địa phương trong tỉnh thì có rất ít người dân quan tâm đến tủ sách pháp luật. Phần lớn những thông tin pháp luật mà người dân tiếp cận được là từ phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet và hỏi những người có trình độ chuyên môn, lĩnh vực mà mình cần biết.

Trao đổi về vấn đề này, chị Đoàn Thị Hương, ở xã Đắk D’rô (Krông Nô) nói: “Tủ sách pháp luật đặt ở chỗ làm việc của cán bộ xã nên người dân không dám hỏi mượn sách. Hơn nữa, tại đây cũng không có bàn ghế để ngồi đọc nên bà con còn ngại đến, chỉ khi nào thực sự cần thiết thì mới đến hỏi mượn về đọc hoặc là nhờ những người hiểu biết về pháp luật tư vấn giúp”.

Còn anh Vũ Văn Tâm, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho hay: “Việc xây dựng tủ sách pháp luật là nhằm mục đích giúp cán bộ nắm được kiến thức để xử lý công việc và giúp nhân dân tìm hiểu, học tập. Mặc dù hàng ngày có rất nhiều người dân đến làm các thủ tục hồ sơ, giấy tờ, nhưng ít có ai đọc hay mượn sách. Nguyên nhân một phần là trụ sở xã đang thiếu phòng, nên tủ sách pháp luật đặt tại bộ phận “một cửa” là không hợp lý”.

Theo ông Nguyễn Xuân Lợi, Trưởng Phòng Phổ biến - Giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) thì qua rà soát, đánh giá cho thấy, mặc dù xã nào cũng đã trang bị tủ sách pháp luật, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Nhiều địa phương còn chưa chú trọng, bố trí kinh phí mua sách mới, xây dựng tủ sách pháp luật nên hàng năm chỉ có vài lượt bạn đọc ghé thăm, nơi nào nhiều thì cũng chỉ có vài chục lượt.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của tủ sách pháp luật, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, bon, giúp người dân hiểu được ý nghĩa quan trọng của tủ sách pháp luật. Ngoài ra, việc xây dựng và quản lý tủ sách cần được tiến hành đồng bộ, bố trí đầu tư về mặt kinh phí, thường xuyên bổ sung sách mới.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cho cán bộ chuyên trách, để từng bước đưa tủ sách pháp luật trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho cán bộ, nhân dân trong công việc, cuộc sống hàng ngày.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tủ sách pháp luật ở cơ sở hoạt động chưa hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO