Tự hào là lính Trường Sa

Hoàng Hoài ghi| 20/09/2016 10:01

Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng ký ức về một thời tham gia bảo vệ quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc vẫn luôn đọng lại trong lòng những người lính đảo năm xưa.

ADQuảng cáo

Trường Sa là “mắt thần” của Tổ quốc

Ông Nguyễn Công Thắng hiện ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) kể: Tôi sinh năm 1954 tại Thanh Hóa, đến năm 1973 thì đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau khi đất nước giải phóng, tháng 2/1976, tôi được phân công ra đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Ngày đó, đi ra đảo là những thanh niên sống tại các vùng biển, phải biết bơi, biết sử dụng thuần thục ít nhất 4 loại súng, pháo khác nhau. Đơn vị của tôi là Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 126.

Đảo Sơn Ca có chiều dài 350m, chiều rộng lớn nhất là 150m, nhưng rặng san hô khi thủy triều rút xuống dài khoảng 3000m. Năm chúng tôi ở đảo, đất nước mới được giải phóng, cuộc sống nơi nào cũng khó khăn và lính đảo cũng vậy. Nước ngọt thì khan hiếm, mỗi buổi sáng chỉ được 1 lít nước ngọt để đánh răng, rửa mặt, rồi hứng lại để tưới rau hoặc làm việc khác. Lâu lâu, đảo Sơn Ca mới có một chuyến tàu đưa thực phẩm, nước ngọt ra, nên anh em ai cũng có ý thức tiết kiệm lắm. Có lẽ, do lính đảo được “quan tâm” hơn, lương thực bao giờ cũng rất đầy đủ, nhưng khổ nỗi chỉ toàn ăn đồ hộp, rau khô mà thôi.

Chiếc áo hải quân vẫn được ông Nguyễn Công Thắng (bên trái) giữ gìn cẩn thận.

Lính đảo gặp nhiều khó khăn, nhưng được cái tinh thần luôn tươi trẻ, lạc quan và mộng mơ lắm. Cuộc sống thiếu thốn ở đảo đó đã góp phần hun đúc trong chúng tôi tình cảm đồng đội, anh em thân thiết. Mỗi khi có chuyến tàu ra thăm, chúng tôi lại nhao lên không phải chờ thực phẩm mà chỉ ngóng thư đất liền gửi ra.

Buồn có, vui có, nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi chưa bao giờ quên nhiệm vụ của mình là canh giữ biển, đảo quê hương. Trong 1 năm ở với đảo, kỷ niệm đến nay tôi vẫn không thể quên đó là sau bao ngày chăm bẵm, trồng được 1 cây bí đỏ và nó chỉ ra đúng 1 trái. Quả bí này, chúng tôi không ăn mà gửi tặng thủ trưởng ở trong đất liền để báo cáo thành tích ngoài đảo vẫn trồng được rau.

Thấm thoắt thời gian trôi qua thật nhanh, tôi xa đảo cũng đã mấy chục năm rồi, nhưng bao kỷ niệm vẫn còn chất chứa mãi. Bây giờ, mỗi khi có dịp, tôi lại đọc các thông tin về đảo Sơn Ca, về quần đảo Trường Sa của Tổ quốc để chiêm nghiệm những đổi thay của nó. Đối với người lính đảo chúng tôi, Trường Sa như là “mắt thần” của Tổ quốc Việt Nam vậy.

ADQuảng cáo

Sẵn sàng ra đảo khi Tổ quốc cần

Ông Hoàng Văn Yến ở tổ dân phố 6, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) kể: Tôi ở Ninh Bình, nhưng lại tham gia huấn luyện ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Tháng 9/1982, tôi được phân công vào đơn vị tàu HQ 616, Hải đội 43, Trường Sa. Tôi may mắn được đi đến tất cả 9 đảo và 11 bãi cạn của quần đảo Trường Sa. Chúng tôi là thế hệ thứ hai có nhiệm vụ đi xây dựng và bảo vệ đảo.

Thời kỳ này có nhiều khó khăn lắm, nhưng lương thực dành cho lính đảo thì không bao giờ thiếu. Cũng như thế hệ trước, thế hệ lính đảo chúng tôi thiếu nước ngọt và rau. Nước thì mỗi ngày được 3 lít/người, 1 lít để dành sinh hoạt, 2 lít còn lại thì góp lại cho 1 người tắm. Tính ra, 10 ngày, chúng tôi mới được tắm một lần. Riêng với những người được cử đi bắt hải sản để cải thiện cuộc sống thì được cấp 5 lít nước ngọt để tắm thôi. Cá thời đó nhiều lắm, một người câu được vài tạ cá trong vài giờ là chuyện thường. Để có rau xanh, chúng tôi phải đến các đảo có nhiều chim sinh sống lấy phân chim về trộn với cát để trồng rau.

Ông Hoàng Văn Yến luôn nhớ bao kỷ niệm một thời làm lính đảo Trường Sa.

Sáng thứ hai hàng tuần làm lễ chào cờ, ở đây, ngoài chào cờ Tổ quốc thì hàng ngày còn nghi thức chào cột mốc (bia chủ quyền) với niềm tự hào, trang nghiêm. Lính đảo được rèn luyện tinh thần thép, dù có vất vả đến đâu cũng không gục ngã. Ở đây, 6 tháng mới có một chuyến tàu đưa hàng hóa, báo chí từ đất liền ra. Mỗi tờ báo với đất liền là những thông tin cũ, nhưng với chúng tôi nó mới mẻ và là người bạn tinh thần chí cốt. Anh em đọc kỹ lắm, không sót một từ, có khi đọc đi đọc lại cả chục lần không chán.

Khi hoàn thành nhiệm vụ, được trở về đất liền, phải mất một thời gian mới có thể làm quen với cuộc sống mới. Thế nhưng, nỗi nhớ đảo, nhớ biển, nhớ anh em, đồng đội luôn thường trực, ùa về. Những lúc như vậy, tôi lại viết thư để gửi tàu khi nào có dịp chuyển ra ngoài đảo, động viên anh em tiếp tục bám đảo, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Nhiều năm trôi qua, ước mơ một lần ra đảo vẫn luôn canh cánh trong lòng tôi. Nghe nói, Trường Sa bây giờ khác xưa nhiều lắm, hơi thở của đất liền, nhịp sống của con người đã được ươm mầm trên biển. Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc, tự hào khi từng là lính đảo Trường Sa. Bây giờ, nếu khi Tổ quốc cần, những người lính đảo chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng ra đảo để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào là lính Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO