Tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập: Cần có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp

Vũ Trang| 09/07/2019 09:11

Tự chủ tài chính (TCTC) tại các cơ sở y tế công lập là xu thế tất yếu, song việc triển khai tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các ngành chức năng phải có thêm những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

ADQuảng cáo

Cơ chế TCTC góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở y tế và đội ngũ nhân viên y tế nhưng thực tế đang gặp khó

Thực tế tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp

Từ sáng sớm, Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp đã có rất đông bệnh nhân đến khám bệnh. Điều dễ dàng nhận thấy là việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính diễn ra rất nền nếp, nhanh gọn. Sở dĩ như vậy là do Trung tâm đã đầu tư hệ thống bấm số tự động cùng với bố trí lại khu vực phòng chờ, kê thêm ghế ngồi, lắp rào chắn phân luồng chức năng…

Thời gian qua, để thu hút người bệnh đến khám và điều trị, Trung tâm đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là chú trọng phát triển nguồn nhân lực và mua sắm trang thiết bị, máy móc. Đặc biệt, trong điều kiện kinh phí của ngành cũng như ngân sách của địa phương còn hạn chế, Trung tâm đã mạnh dạn đẩy mạnh xã hội hóa để giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Vì vậy, đến nay, trên cơ sở huy động nguồn vốn xã hội hóa, Trung tâm đã đầu tư được một số thiết bị y tế hiện đại gồm: máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm màu 4D, máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm huyết học, máy điện não đồ, máy chạy thận nhân tạo…

Về nguồn nhân lực, cùng với việc tuyển dụng, Trung tâm cũng tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ thường xuyên tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trung tâm hiện có hơn 70 bác sĩ, nhiều hơn 3-5 lần so với các đơn vị y tế tuyến huyện khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức khám, chữa bệnh vào ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần để đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Đến nay, trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận khoảng 600-800 người đến khám và điều trị, tăng gấp 3 lần so với những năm trước đây.

Mặc dù có những bước phát triển nổi bật, nhưng khi được UBND huyện giao thực hiện TCTC, Trung tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bác sĩ Phạm Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp cho biết: Khi được giao TCTC, khó khăn lớn nhất của đơn vị để cạnh tranh là thiếu trang thiết bị. Đơn cử như phòng mổ, hiện nay còn thiếu rất nhiều trang thiết bị như: Máy hồi sức gây mê, trợ thở, các kỹ thuật xét nghiệm máu, máy phẫu thuật nội soi, đèn mổ và các dụng cụ hỗ trợ... Các trang thiết bị này hầu như không thể huy động xã hội hóa vì tần suất sử dụng thấp. Nếu trong điều kiện được trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết, Trung tâm có thể tiến tới TCTC vào năm 2021. Còn như tình hình hiện nay, việc TCTC là chưa thể thực hiện được. Ngoài trang thiết bị, việc TCTC của đơn vị còn gặp một số khó khăn về cơ chế quản lý tài chính, việc áp dụng các văn bản hướng dẫn của các cấp...

Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp đầu tư thêm máy chạy thận nhân tạo từ nguồn xã hội hóa để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân

Gặp khó, chưa tìm được hướng giải quyết phù hợp

ADQuảng cáo

Năm 2019, UBND tỉnh chọn 3 đơn vị y tế của tỉnh thực hiện TCTC gồm: Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, Trung tâm Y tế huyện Đắk Song và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Tuy nhiên, không riêng Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, hiện nay, các đơn vị khác cũng gặp rất nhiều khó khăn và đang loay hoay, chưa tìm được hướng giải quyết phù hợp.

Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh, mới đây, tỉnh đã tổ chức cho các đơn vị đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Kon Tum, Phú Yên và Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản từ Trung ương đến địa phương ban hành chưa đồng bộ, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế chưa rõ ràng dẫn đến khó xác lập cơ chế để TCTC… Điều này dẫn đến việc mỗi địa phương, đơn vị làm một kiểu, không có sự thống nhất.

Theo Trung tâm Y tế huyện Đắk Song, với đặc thù địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nên việc tiến tới TCTC hoàn toàn là điều rất khó thực hiện. Bởi tại đây, các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu khó phát triển, chất lượng điều trị chưa cao, cơ chế thu hút cán bộ giỏi ở tuyến huyện còn rất ít. Chính sách tiền lương và chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế còn thấp, chênh lệch giữa công và tư, chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút được đội ngũ nhân lực có trình độ cao về công tác nên khó thu hút người bệnh. Trong khi đó, xác định TCTC đồng nghĩa với việc đơn vị phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mới có thể thu hút người dân đến khám và điều trị, từ đó tạo nguồn thu ổn định.

Ngoài ra, hiện nay, các trung tâm y tế huyện trên địa bàn tỉnh có 3 chức năng là điều trị, dự phòng và dân số. Về cơ chế quản lý tài chính, các đơn vị được giao tự chủ toàn bộ chi thường xuyên khối điều trị, còn khối dự phòng bao gồm các trạm y tế xã vẫn sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế tài chính chưa rõ ràng nên rất khó khăn khi thực hiện.

Còn nhiều việc phải làm

Chủ trương của Bộ Y tế là khuyến khích các bệnh viện công lập thực hiện TCTC nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh bằng uy tín và thương hiệu để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân. Thực tế, tại một số đơn vị, địa phương trong cả nước đã thực hiện thành công mô hình này, chất lượng khám, chữa bệnh có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, cơ chế TCTC góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo và khuyến khích các cơ sở y tế huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị phát triển hoạt động khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, khi thực hiện TCTC, cán bộ, nhân viên y tế sẽ phải chủ động hơn về thời gian, thể hiện và khẳng định được năng lực, khả năng sở trường, loại bỏ tư tưởng trông chờ vào ngân sách Nhà nước cấp như trước. Không chỉ vậy, họ còn phát huy tối đa sự năng động và sáng tạo trong khám, chữa bệnh để thu hút nhiều bệnh nhân.

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng với đặc thù của hệ thống y tế cơ sở còn nhiều khó khăn như tỉnh Đắk Nông hiện nay thì việc thực hiện TCTC còn rất nhiều việc phải làm và cũng không thể thực hiện “một sớm, một chiều”.

Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đã tiến hành rà soát năng lực, phân loại những đơn vị đủ điều kiện thực hiện TCTC, đồng thời phối hợp với các ngành liên quan như tài chính, nội vụ… ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể. Với những khó khăn, vướng mắc hiện nay, ngành sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đưa ra các giải pháp, lộ trình phù hợp. Điều quan trọng là các cơ sở y tế trên địa bàn cần tích cực đổi mới tư duy quản lý, phát huy sự năng động, sáng tạo trong công tác điều hành, nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thanh Hương:

Mặc dù TCTC là xu hướng tất yếu của các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không phải đơn vị nào muốn thực hiện TCTC cũng có thể làm được. Để TCTC, bản thân các cơ sở y tế phải có đủ nội lực từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, điều hành phải có năng lực tốt.

***

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Song Tống Trường Ký:

Cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị thì yếu tố con người cũng rất quan trọng trong việc TCTC ở các cơ sở y tế. Đối với các đơn vị y tế tuyến huyện, hầu hết người bệnh đến khám, chữa bệnh bằng BHYT chứ không có khám dịch vụ. Như vậy, lương để trả cho bác sĩ sẽ không cao và rất khó để giữ chân người giỏi. Nhiều bác sĩ được bệnh viện cử đi học nhưng về vẫn chuyển nơi khác, nhiều người bỏ cả biên chế để tìm cơ hội tốt hơn…

***

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp Phạm Khánh Tùng:

TCTC không chỉ là tự chủ về chi phí, nguồn tiền mà còn kéo theo tự chủ nhiều vấn đề khác như con người, thiết bị máy móc, chuyên môn. Điều này buộc ban lãnh đạo các đơn vị và cả các cán bộ, nhân viên y tế phải thật năng động, sáng tạo và quyết tâm. Các hoạt động phải thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Đặc biệt, các cơ sở y tế cần tinh gọn bộ máy, cắt giảm những bộ phận không cần thiết để thực hiện hiệu quả mô hình này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập: Cần có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO