Trường Xuân “giải bài toán” giảm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số

Hoàng Hoài| 04/05/2016 14:17

Theo Đảng ủy xã Trường Xuân (Đắk Song) thì qua kết quả điều tra hộ nghèo chuẩn đa chiều mới, xã hiện có trên 3.171 hộ dân, trên 11.462 khẩu với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22,86%.

ADQuảng cáo

Tỷ lệ này vẫn ở mức cao so với bình quân chung của huyện, thậm chí, có bon tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 62,1%. Những hộ nghèo này tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ (chiếm 58,9% tổng số hộ nghèo toàn xã).

Người dân bon Păng Sim, xã Trường Xuân chăm sóc cây trồng

Qua nghiên cứu kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2015, xã đã xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hộ nghèo vẫn còn khá cao, nhất là DTTS tại chỗ là do thiếu vốn sản xuất, không biết cách làm ăn, thiếu tay nghề, thiếu đất sản xuất, đông người ăn theo...

Hiện nay, phần lớn đồng bào DTTS tại chỗ thường hay mua nợ lương thực, thực phẩm, vật tư, phân bón tại các cửa hàng, đại lý, đến vụ mùa hoặc có nguồn tiền nào đó thì trả. Điều này dẫn đến thực trạng, khi vay vốn ngân hàng về thì họ bớt một phần để trả nợ. Cũng có hộ cuối năm thu bao nhiêu lại phải gán trả nợ bấy nhiêu, nợ cũ chưa xong nợ mới lại tới, nên cứ mãi luẩn quẩn với đói nghèo. Từ việc thiếu vốn sản xuất, không có khả năng tái đầu tư nên cây trồng chất lượng kém.

Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ cao. Thực tế, thời gian qua, xã và các tổ chức đoàn thể cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, nhiều hộ gia đình lại giao cho những người thường xuyên ở nhà đi dự, còn người trực tiếp lao động, gắn bó với ruộng vườn lại không đi. Khi tập huấn xong, người đi cũng không nói lại với người lao động chính về kiến thức mình đã nắm được, nên việc tập huấn coi như không thành công.

ADQuảng cáo

Cũng có những trường hợp đi tập huấn nhưng không ghi chép, không tập trung chú ý, lắng nghe, tâm lý cái này mình biết rồi, cái kia mình hiểu rồi, nhưng đến khi về thì lại không áp dụng được trong thực tiễn. Qua khảo sát của xã thì nhiều hộ đồng bào DTTS ngay cả việc cắt cành cà phê cũng không thành thạo, không có kỹ thuật, làm theo thói quen.

Hay việc bón phân cho cây trồng thì giống như nêm bột ngọt, mỗi cây mỗi nắm nhỏ là coi như xong chứ chưa nói gì đến những kỹ thuật cao hơn. Chính vì vậy, cây trồng phát triển kém, năng suất thấp hết năm này đến năm khác. Các chính sách dành cho hộ nghèo, DTTS thì nhiều, nhưng làm thế nào để đem lại hiệu quả là một bài toán nan giải mà xã Trường Xuân đang tìm cách tháo gỡ.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, trong 7 nhóm giải pháp thì Đảng ủy xã ưu tiên vào 3 nhóm giải pháp thiết yếu.

Thứ nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào DTTS tại chỗ về ý thức tự giác vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Thứ hai là về tín dụng cho hộ nghèo, với những hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững nếu có phương án sản xuất kinh doanh tốt, ý thức muốn thoát nghèo cao thì được các tổ chức đoàn thể bảo lãnh để nâng mức vay tín dụng đầu tư phát triển sản xuất. Trong quá trình hộ nghèo sử dụng vốn vay thì cả hệ thống chính trị sẽ trực tiếp hướng dẫn, giám sát làm sao để vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Thứ ba là tư vấn về cách làm ăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề. Cụ thể, xã phân công cho mỗi đoàn thể đăng ký theo dõi giúp đỡ từ 1-2 hộ nghèo thoát nghèo bền vững/năm. Cùng với việc hướng dẫn người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện về đất đai, nguồn vốn, lao động của từng gia đình thì xã sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở các vùng đặc thù, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho lao động nghèo. Việc hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia cũng sẽ được chú trọng hơn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Trường Xuân lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định, giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng cấp thiết cần tập trung thực hiện bài bản, từng bước hiệu quả. Đây không chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị mà trước hết là trách nhiệm của chính người dân với cuộc sống của mình. Để đạt mục tiêu đề ra, xã phấn đấu hàng năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS từ 5-7%;  đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 15%. Đảng bộ xã đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo bền vững gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tín dụng hộ nghèo; tư vấn về cách làm ăn, hỗ trợ phát triển sản xuất ngành nghề; giáo dục, đào tạo; nhà ở; y tế; phòng chống tệ nạn xã hội và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Xuân “giải bài toán” giảm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO