Triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Tường Mạnh| 22/10/2014 09:09

Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì bắt đầu từ năm 1985, Việt Nam đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc và đến nay đã có khoảng 10 loại vắc xin được đưa vào chương trình.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, đối với Chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi - rubella (MR) cho trẻ từ 1-14 tuổi lần này thì đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/Ct-TTg ngày 17/9/2014 về việc tổ chức tiêm vắc xin MR.

Điều đó cho thấy quy mô, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến dịch tiêm vắc xin MR đối với sức khỏe của nhân dân như thế nào. Cùng với thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, sở dĩ Chiến dịch tiêm vắc xin MR lần này được Chính phủ, Bộ Y tế và toàn xã hội đặc biệt quan tâm là do sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, gây dịch.

Điều cần nói đến nữa là việc triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin MR không phải “khoán trắng” cho ngành Y tế mà đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ nêu rất rõ ràng: UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo toàn diện tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sởi và rubella, huy động các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể tại địa phương tham gia tiêm chủng, bảo đảm an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 95% cho trẻ từ 1-14 tuổi ở quy mô xã, phường, thị trấn; Bố trí kinh phí, nhân lực, trang thiết bị của địa phương đầy đủ và kịp thời cho tiêm phòng; Triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin cơ sở về tiêm phòng để người dân hiểu, tích cực, chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ…

Ngoài ra, Chỉ thị 19 cũng yêu cầu các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Tài chính và Ủy ban Trung ương MTTQVN cần  phối hợp vào cuộc một cách mạnh mẽ, tích cực.

Theo Cục Y tế dự phòng thì trên tinh thần Chỉ thị 19, các hoạt động của Chiến dịch tiêm vắc xin MR đã được triển khai mạnh mẽ, với sự chuẩn bị đầy đủ của Bộ Y tế và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan.

Cụ thể, ngành Giáo dục đã triển khai các hoạt động tuyên truyền cho học sinh, giáo viên và phụ huynh về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến dịch tiêm vắc xin MR để huy động sự tham gia tích cực của nhà trường, gia đình và học sinh. Các lực lượng quân sự thuộc Bộ Quốc phòng thì triển khai tuyên truyền, vận động người dân tại khu vực đóng quân, tại những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như hỗ trợ nhân lực và các hoạt động chuyên môn cho những vùng khó khăn về y tế.

Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cũng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia tiêm phòng vắc xin MR. Bộ Thông tin-Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện thông tin tuyên truyền sâu rộng để huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng.

ADQuảng cáo

Bộ Y tế, với vai trò là chủ trì chiến dịch thì cùng với việc chuẩn bị các loại vật tư cần thiết cũng đã xây dựng đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn, tài liệu truyền thống và tiến hành tập huấn, cấp phát cho tất cả các tỉnh, thành phố, tuyến huyện, xã trên phạm vi cả nước.

Điều đáng mừng là qua thực tế triển khai thí điểm ở quy mô nhỏ vào giữa tháng 9 tại 4 huyện, thành phố: Thanh Sơn (Phú Thọ), Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), Chư Kuin (Đắk Lắk) và Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Chiến dịch tiêm vắc xin MR đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp, các ngành cũng như người dân địa phương nên tỷ lệ đạt khá cao.

Bên cạnh đó, hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã phê duyệt kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin MR cho trẻ từ 1-14 tuổi; đồng thời thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch các cấp từ tỉnh đến huyện, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Riêng đối với Đắk Nông, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 387/KH-UBND về triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella trong tiêm chủng mở rộng tỉnh Đắk Nông năm 2014-2015. Theo đó, toàn tỉnh tổ chức 110 điểm tiêm chủng; trong đó, 8 điểm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện đa khoa huyện và 102 điểm thuộc 71 xã, phường, thị trấn. Mục tiêu của tỉnh là dự kiến tiêm phòng vắc xin MR cho 165.565 trẻ từ 1-14 tuổi, đảm bảo an toàn, chất lượng tiêm chủng.

Đặc biệt, kế hoạch của tỉnh cũng nhấn mạnh đến việc huy động sự phối hợp, vào cuộc một cách mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để đảm bảo cho chiến dịch thành công, đạt được kết quả cao nhất. Ngoài kinh phí do Trung ương cấp là 1,47 tỷ đồng thì ngân sách tỉnh hỗ trợ 350 triệu đồng để chi cho các hoạt động không được trên cấp hoặc hỗ trợ chưa đủ.

UBND tỉnh cũng yêu cầu, UBND các huyện, thị xã căn cứ điều kiện tình hình thực tế địa phương, cần bố trí bổ sung kinh phí để hỗ trợ hoạt động Chiến dịch tiêm phòng vắc xin MR đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả.

Hiện nay, cùng với cả nước, Chiến dịch tiêm vắc xin MR trên địa bàn tỉnh cũng chỉ mới bước vào giai đoạn đầu, chắc chắn sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, khó lường trong quá trình triển khai. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế thì sự vào cuộc, góp sức của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở tất cả các địa phương là điều hết sức cần thiết, góp phần cho chiến dịch thành công.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO