Trân trọng, tự hào Di tích lịch sử quốc gia

Hoàng Thanh| 29/10/2017 16:44

Người dân thị xã Gia Nghĩa, nhất là những hộ dân ở thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia rất đỗi tự hào khi tại địa bàn có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt: “Địa điểm bắt liên lạc khai thông Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông”.

ADQuảng cáo

Trước đây, tại khu vực di tích có 2 cây xoài cổ thụ, cành lá sum suê che mát cả đỉnh đồi, được xem là “chứng tích” lịch sử. Tại đây, ngay dưới gốc xoài, vào chiều tối ngày 30/10/1960, Đoàn B90 nhận nhiệm vụ xoi mở đường hành lang chiến lược Bắc – Nam đã bắt liên lạc với Đoàn C200 từ miền Đông Nam bộ lên. Từ đó, việc liên lạc giữa các chiến trường được thông suốt, góp phần quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.

Theo ông Ao Sỹ, nguyên cán bộ Đoàn B90, để có được kết quả trên, ngoài việc các thành viên Đoàn B90 năm xưa phải trải qua bao gian nan vất vả hy sinh còn phải kể đến công lao của đồng bào các dân tộc tại địa bàn đã giúp đỡ, che chở cho đoàn trong quá trình thực hiện khai thông đường. Ngày ấy, khu vực này rừng núi rậm rạp, dân cư thưa thớt, chủ yếu đồng bào M’nông sinh sống và canh tác. Địa bàn lại gần trung tâm tỉnh lỵ Quảng Đức (cũ) nên địch thường xuyên càn quét gây nhiều khó khăn cho cách mạng.

Đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ tưởng niệm tại thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) chiều ngày  27/10

Ông Y El, người có uy tín ở bon Bu Kon, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho biết: “Theo lời các người già, trước đây, bà con bon Bu Kon sống ở bon Cây Xoài. Căm thù giặc Mỹ, bà con thường xuyên giúp đỡ cách mạng, che chở và tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ lương thực, quần áo. Cán bộ, chiến sĩ cách mạng nhiều lần thoát khỏi các cuộc càn quét, bố ráp của địch cũng nhờ có bà con giúp đỡ, thông tin”. Ông K’Tang, năm nay đã ngoài 80 tuổi ở bon Bu Kon cũng nói: “Ngày ấy, khi còn là một thanh niên, hàng ngày tôi làm rẫy ở bon Cây Xoài. Có lần đang trỉa lúa, tôi gặp 2 cán bộ cách mạng và đã giúp tìm nơi an toàn, tiếp tế lương thực cho họ trong 3 ngày”.

Sau khi nước nhà thống nhất, bà con dời về địa điểm bon Bu Kon bây giờ. Nhiều nhân chứng của một thời gian khó, chở che cho cách mạng đã không còn. Nhưng trong lòng bà con luôn xem những cây xoài như là những cây thiêng.

ADQuảng cáo

Các cán bộ cách mạng và đông đảo nhân dân  mong muốn nâng cấp, mở rộng di tích cho xứng tầm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt

Di tích lịch sử “Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông” được Nhà nước đầu tư xây dựng và hoàn thành vào ngày 23/3/2010. Đến ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh (trong đó có đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông). Tuy nhiên, trải qua mưa gió, hiện di tích này đã xuống cấp, những cây xoài cổ thụ ở đây cũng không còn. Chính vì vậy, người dân rất mong muốn Nhà nước sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng di tích.

Đáng mừng, tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ dự án nâng cấp, mở rộng khu di tích lịch sử này. Theo UBND tỉnh, di tích được mở rộng trên diện tích 17 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu là ngân sách của Trung ương.

8 hộ dân ở thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đồng ý di dời nhà cửa để thị xã san ủi mặt bằng tổ chức Lễ tưởng niệm

Theo ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, sau khi tỉnh quyết định tổ chức Lễ tưởng niệm và đặt Bia tưởng niệm ghi danh các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông, cán bộ, nhân dân thị xã rất phấn khởi, ủng hộ. Các hộ dân tại đây đã đồng ý di dời nhà cửa, nhường đất cho thị xã san ủi mặt bằng, với diện tích hơn 7200 m2 để chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ tưởng niệm.

Bà Lê Thị Hồng, ở thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, một trong 8 hộ dân đồng ý di dời cho biết: “Sau khi UBND thị xã gặp gỡ, thỏa thuận, chúng tôi đã đồng ý di dời nhà cửa để chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ tưởng niệm và nâng cấp, mở rộng di tích sau này. Chúng tôi cũng thấy hãnh diện vì mình đã đóng góp một phần nhỏ cho sự kiện lịch sử hết sức trân trọng này”. Ông Trịnh Đình Tiến, một hộ dân sống gần di tích nói: “Gia đình tôi mới vào sinh sống ở đây vài năm cũng sẵn sàng hiến đất để tỉnh xây dựng, mở rộng di tích cho hoành tráng, xứng tầm hơn”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trân trọng, tự hào Di tích lịch sử quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO