Tổ chức đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động tại Đắk R’măng: Phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc từ phía người dân

Hoàng Thanh| 20/09/2018 09:38

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND, ngày 2/4/2018 về rà soát và thực hiện đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động cho người dân cư trú tại huyện Đắk Glong.

ADQuảng cáo

Căn cứ tình hình thực tế, Sở Tư pháp đã hướng dẫn Phòng Tư pháp huyện Đắk Glong phối hợp với UBND xã Đắk R’măng thực hiện khảo sát, thống kê thu thập thông tin các đối tượng có nhu cầu đăng ký khai sinh, kết hôn. Sau thời gian khảo sát, trong các ngày 11-12/8, Phòng Tư pháp và UBND xã Đắk R’măng đã tổ chức đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động cho người dân tại địa bàn.

Cán bộ tư pháp kiểm tra hồ sơ đăng ký khai sinh, kết hôn. Ảnh: Hà Nguyễn

Theo đó, UBND xã Đắk R’măng đã tiếp nhận 236 trường hợp đến đăng ký khai sinh, nhưng chỉ có 8 trường hợp đủ điều kiện cấp giấy khai sinh. Trong số 228 trường hợp còn lại có tới 50% phải kiểm tra, xác minh lại. Gần 80 trường hợp đã khảo sát không đến làm thủ tục khai sinh.

Về thủ tục kết hôn, trong số 408 hồ sơ đề nghị đăng ký kết hôn chỉ có 5 cặp vợ chồng đủ điều kiện được cấp và trao giấy chứng nhận kết hôn, còn lại cần phải xác minh lại. Theo chính quyền địa phương, ngoài 408 trường hợp nói trên, thực tế trên địa bàn vẫn còn rất nhiều cặp nam nữ sống với nhau như vợ chồng nhưng do xa xôi nên vẫn chưa đăng ký thủ tục kết hôn.

Trao giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp vợ chồng ở xã Đắk R'măng. Ảnh: Hà Nguyễn

ADQuảng cáo

Theo Phòng Tư pháp huyện Đắk Glong, việc đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động tại xã Đắk R’măng đạt kết quả thấp là do đa số bà con ở đây là người Mông di cư tự do vào địa phương nhưng không có giấy tùy thân; một số khác sinh sống nhiều nơi nên rất khó xác minh tình trạng hôn nhân. Thậm chí, nhiều người khi cán bộ tư pháp làm thủ tục vẫn không nhớ quê quán của mình, nên việc xác minh rất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, qua thực hiện việc cấp giấy khai sinh, kết hôn lưu động tại xã Đắk R’măng cho thấy phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu là do về phía người dân. Trước tình hình trên, theo đề nghị của huyện, Sở Tư pháp đang xem xét và có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký khai sinh, kết hôn cho các trường hợp thiếu giấy tờ tùy thân (hộ khẩu, chứng minh nhân dân) nhưng thực tế đã sinh sống ổn định trên địa bàn nhiều năm qua.

Trao giấy khai sinh cho trẻ em người Mông tại địa bàn. Ảnh: Hà Nguyễn

Việc tổ chức đăng ký hộ tịch lưu động cho người dân không chỉ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước mà còn góp phần củng cố mối quan hệ pháp lý, bảo vệ quan hệ cha mẹ với con cái, quan hệ sở hữu tài sản, đất đai, nhà cửa… Đặc biệt, việc đăng ký khai sinh nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong việc đi học, hưởng chế độ, chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh…

Ông Nguyễn Văn Thông cho biết, trước mắt đơn vị đã hướng dẫn cho Phòng Tư pháp huyện Đắk Glong và UBND xã Đắk R’măng tiếp tục rà soát, xác minh để cấp giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh cho các trường hợp nêu trên. Đối với một số trở ngại về pháp lý, Sở sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình địa phương.

Việc đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động hiện nay thực hiện theo quy định của luật Hộ tịch năm 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, ngày 15/11/2015, Thông tư số 15/2015/TT-BTP. Theo quy định, người dân muốn đăng ký kết hôn, khai sinh phải có bản chính sổ hộ khẩu, bản chính chứng minh nhân dân, xác nhận của chính quyền địa phương nơi sinh sống trước đó về tình trạng hôn nhân thì mới đủ điều kiện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức đăng ký khai sinh, kết hôn lưu động tại Đắk R’măng: Phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc từ phía người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO