Thương binh “tàn nhưng không phế”

Hoàng Hoài| 27/07/2016 10:58

Giã từ quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, dù mang trên mình thương tật, song không ít thương, bệnh binh trong tỉnh vẫn luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên trì bền bỉ, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, vươn lên làm giàu, với tâm thế “tàn nhưng không phế”.

ADQuảng cáo

Thành công từ quyết tâm, lạc quan

Năm 1982, ông Trần Văn Tuyển hiện ở thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Đến năm 1985, trong một lần tham gia tiếp viện đạn vào chiến trường, ông bị trúng sức ép của mìn chống tăng. Lúc này trước mắt ông là khói bụi mịt mù, mắt hoa lên không nhìn thấy gì rồi ngất đi, những tưởng cái chết đã cận kề.

Nhưng may mắn, ông đã thoát chết trong gang tấc, khi tỉnh lại mới biết bị thương và đang được cứu chữa với tỷ lệ thương tật 21%. Vết thương lành, ông tiếp tục trở lại đơn vị làm nhiệm vụ và sau thời gian ngắn thì xuất ngũ.

Với sự quyết tâm cao, thương binh Trần Văn Tuyển vươn lên làm giàu từ việc trồng cà phê, tiêu…

Ban đầu ông về quê Nam Định làm ruộng, nhưng cuộc sống chỉ đủ ăn, không dám mơ đến chuyện làm giàu. Vì vậy, ông quyết tâm khăn gói vào Bình Phước làm kinh tế, trải qua nhiều nghề, rồi tằn tiện mua đất để trồng cà phê và điều, vậy mà kết quả cũng chẳng khấm khá hơn. Buồn nhiều, nhưng ông luôn nhắc nhở bản thân không được nản mà phải cố gắng vì vợ, vì con, vì tương lai của gia đình.

Sau khi được đứa cháu giới thiệu về tiềm năng phát triển cây công nghiệp ở Đắk Nia và khảo sát thực tế nhiều lần, ông đã quyết tâm bán một ít đất ở Bình Phước để lên đây lập nghiệp. Ban đầu, ông mua được khoảng 5ha đất để trồng điều, cà phê và sắn. Dần dần, với tính tình chịu khó, cộng với ham học hỏi, nên vườn cây đã cho những quả ngọt, gia đình ông làm ăn không chỉ đủ mà còn dư ra để làm việc khác.

Từ việc làm ăn hiệu quả đó, ông lại tiếp tục mở rộng diện tích và đến nay, có khoảng 8 ha đất trồng nhiều loại cây như cà phê, điều, tiêu, cây ăn trái… Mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông còn lãi hàng trăm triệu đồng.

Ông Tuyển cho biết: “Ban đầu làm kinh tế cũng khá khó khăn vì thiếu vốn đầu tư, nhưng nghĩ mình đã đi nhiều rồi phải chọn một điểm dừng chân chứ không thể nay đây mai đó được nữa. Vì vậy, tôi quyết tâm dù có khó, có khổ, có thất bại thì cũng phải bám lấy đất, lấy việc chăm sóc cây trồng làm niềm vui để vươn lên. Hơn nữa, mình từng vào sinh ra tử, cái chết còn vượt qua được huống gì những việc nhỏ như thế này. Cứ như vậy, sự chăm chỉ, tinh thần quyết tâm, lạc quan đã giúp tôi thành công như hôm nay”.

Hiện nay, ngoài việc chăm lo cho gia đình mình, ông Tuyển còn tích cực trong các hoạt động xã hội, nhất là đối với anh em cựu chiến binh. Hàng năm, ngoài việc tạo việc làm cho con em thì ông còn cho hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế không lấy lãi, chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt để phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo

Nghèo đói hay giàu sang đều do mình tạo nên

Năm 1972, ông Trần Minh Triệu, hiện ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song) tham gia chiến đấu tại Trà Vinh. Cuối năm 1974, trong một trận chiến ở xã Vĩnh Kim, đơn vị ông bị quân địch tấn công quyết liệt vì lực lượng mỏng, 14 người phải đánh với 3 trung đội địch. Trận này, ông bị thương ở đầu và ngực với tỷ lệ thương tật 21%.

Sau khi chữa lành vết thương, ông tiếp tục về đơn vị chiến đấu, tham gia giải phóng miền Nam và đến năm 1980 thì xuất ngũ. Rời quân ngũ, ông về tiếp tục nghề làm ruộng, nhưng Trà Vinh là vùng nước mặn, cây lúa năm được năm mất, không đủ ăn. Hồi đó, nghề nuôi trồng thủy sản ở Trà Vinh cũng chưa phát triển nên ông đành quyết tâm rời quê nhà đi làm ăn.

Thương binh Trần Minh Triệu làm giàu từ mô hình VAC

Như lời ông kể thì ông phiêu bạt lên Bình Phước 10 năm, đặt hết niềm tin, hy vọng đổi đời từ cây cà phê thì đúng vào năm đó cà phê rớt giá thảm nhất, nên ông cũng thất thu, vốn bỏ ra lại thâm hụt. Đứng dậy sau thất bại, ông quyết định bán hết đất ở Bình Phước lên Đắk Song lập nghiệp vào năm 2005. Ông đã “đặt cược” tất cả vốn liếng vào vùng đất mới, bởi ông đã khảo sát và thấy so với Bình Phước thì đây sẽ là vùng đất lành vì khí hậu mát mẻ, nước tưới đầy đủ. Do đó, tất cả vốn liếng, ông dồn vào mua được 3 ha cà phê để chăm sóc, rồi cứ từ từ làm thêm nhiều nghề để hỗ trợ lẫn nhau.

Mỗi ngày làm một chút, mỗi tháng tích lũy thêm một phần rồi lại tiếp tục mở rộng quy mô, số lượng cây, con. Đến nay, gia đình ông đã có cơ ngơi 28 ha đất làm trang trại theo mô hình VAC với cà phê, tiêu, nuôi cá, nuôi heo…

Ông Triệu cho biết: Tôi luôn tâm niệm “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, đất không phụ người thì tại sao mình lại phụ mình, phải quyết tâm để thành công. Với tôi, nghèo đói hay giàu sang là do chính mình tạo nên, nếu có quyết tâm thì dù có khó khăn, trở ngại nào cũng sẽ không cản được. Do đó, tôi ham làm lắm, làm để lo cho mình, còn giúp đỡ được ai thì giúp.

Với suy nghĩ đó, ngoài việc đóng góp cho các phong trào, hoạt động ở địa phương, tạo công ăn việc làm cho người khác, ông còn giúp đỡ bà con trong xã vay không lấy lãi để mua đất đai, hay đầu tư phát triển kinh tế...

Video clip:

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương binh “tàn nhưng không phế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO