Thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2018: Sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và người dân

Bài, ảnh: Văn Tâm| 01/10/2018 10:12

Hiện nay, với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều nên nguy cơ nhiễm bệnh của vật nuôi và khả năng bùng phát dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Do đó, việc thực hiện triệt để công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cho đàn gia súc, gia cầm được ngành Thú y tỉnh và các địa phương đặc biệt quan tâm.

ADQuảng cáo

Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng xung quanh một trang trại chăn nuôi ở xã Đắk Nang (Krông Nô) trong đợt dịch cúm gia cầm năm 2017

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, bảo vệ sản xuất, sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tỉnh đã phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2018” trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, tùy theo điều kiện mỗi địa phương sẽ triển khai từ nay cho đến cuối tháng 10/2018. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp – PTNT đã đôn đốc ngành Thú y phối hợp với các địa phương tích cực chuẩn bị nhân lực và xây dựng kế hoạch tiếp nhận vật tư, hóa chất thực hiện tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn các huyện.

Tại huyện Đắk Mil, đến thời điểm này, địa phương đã tiếp nhận 840 lít thuốc khử trùng, tiêu độc để cấp cho 10 xã, thị trấn trên địa bàn. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phân công cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn trưởng thú y các xã, thị trấn triển khai phun ở các nơi chợ buôn bán, khu tập kết gia cầm, cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, khu công cộng, khu vực biên giới…

Theo ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil thì huyện đã vận động các trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự bố trí kinh phí mua hóa chất để khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan thú y. Tại cửa khẩu Đắk Peur, ngành chuyên môn bố trí hố sát trùng, đồng thời phun hóa chất tiêu động, khử trùng trực tiếp lên các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đưa vào trong nước tiêu thụ.

ADQuảng cáo

Còn tại huyện Đắk Glong, đến nay, địa phương đã tiếp nhận 216 lít hóa chất để cấp cho các xã, thị trấn trên địa bàn nhằm tiến hành công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Theo UBND huyện Đắk Glong thì việc triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại địa phương diễn ra khá thuận lợi. Các xã, thị trấn đã vận động các cơ sở chăn nuôi phát quang cây cỏ xung quanh chuồng trại, quét dọn khu vực nuôi, khơi thông cống rãnh. Các địa phương thành lập đội phun thuốc tiêu độc, khử trùng ở các khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm…

Đối với các hộ chăn nuôi gia đình, hằng ngày cũng đã chủ động quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm, bao gồm cả nơi chăn thả, thu gom phân rác, dọn chuồng để đốt hoặc chôn những rác thải; tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và khu vực phụ cận mỗi tuần một lần khi không có dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp - PTNT thì thời tiết của tháng 9 và tháng 10 trên địa bàn tỉnh thường có những trận mưa kéo dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả trong việc sử dụng hóa chất tiêu độc, khử trùng. Do đó, các địa phương cần tiếp nhận đầy đủ hóa chất, vật tư, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, để khi nào điều kiện thời tiết thuận lợi là tiến hành phun thuốc ngay. Bởi vì, nếu tập trung thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đồng loạt sẽ là biện pháp tối ưu hạn chế được rất nhiều về dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm.

Diễn biến bệnh dịch động vật trên cạn nhiều năm, các dịch bệnh nguy hiểm như: Tai xanh ở lợn, cúm gia cầm, lở mồm long móng ở trâu, bò, dại ở động vật… thường phát sinh trong điều kiện thời tiết giao mùa từ những tháng cuối mùa mưa chuyển sang mùa khô. Do vậy, ngoài việc thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Mặt khác, các địa phương cũng cần tăng cường quản lý đàn vật nuôi, đặc biệt là đối với những hộ kinh doanh giống gia cầm, những hộ chăn nuôi vịt thả đồng, những ổ dịch của năm trước… để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thường xuyên, hạn chế nguy cơ dịch bệnh phát sinh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 2 năm 2018: Sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO