Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội: Góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Mỹ Hằng| 05/05/2016 09:42

Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã thay đổi đáng kể, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

ADQuảng cáo

Trên tinh thần Quyết định 308 của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng triển khai thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong giai đoạn mới”; UBND tỉnh có Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...Ban chỉ đạo các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình, dòng họ thực hiện gắn với các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa...

Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã có sáng kiến vận động, thuyết phục các hộ gia đình văn hóa thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt cộng đồng khác. Đến nay, toàn tỉnh có 720/786 hương ước, quy ước thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (đạt 91,6%). Tại các buổi sinh hoạt thôn, bon, tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận đều lồng ghép đưa việc thực hiện Quyết định 308 để bà con nắm bắt và thực hiện.

Một số trò chơi dân gian cũng được thường xuyên tổ chức, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Nhìn chung, về việc cưới trên địa bàn tỉnh được người dân chú trọng thực hiện theo luật Hôn nhân và gia đình như hôn nhân tự nguyện và tiến bộ, chỉ một vợ một chồng. Các đám cưới đều được tổ chức một cách đơn giản, gọn nhẹ theo hướng văn minh. Một số tập tục lạc hậu như tảo hôn, thách cưới, ép duyên... dần được xóa bỏ.

Cụ thể như trước đây, lễ cưới của dân tộc Mạ thường được tổ chức 3 ngày liền ở nhà gái; cưới xong đôi vợ chồng trẻ phải ở trong nhà 7 ngày, không được ra khỏi nhà, tránh gặp người lạ...,nhưng hiện nay những tục lệ trên đã bị loại bỏ. Tại lễ cưới, cô dâu, chú rể đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình và việc đăng ký kết hôn, trao giấy chứng nhận kết hôn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Qua thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có 35.331 đám cưới; trong đó có 17.379 đám cưới được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới và 11.756 đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm.

ADQuảng cáo

Đối với việc tang hiện nay, hầu hết được các khu dân cư vận dụng, đưa vào các quy ước, hương ước thôn, bon, buôn để cùng nhau thực hiện như sử dụng nhạc tang bằng bát âm, băng nhạc tang, không sử dụng nhạc tang quá 23 giờ đêm và trước 5 giờ sáng… Các gia đình có người mất đều đến chính quyền địa phương để làm giấy khai tử. Một số dịch vụ tang lễ được hình thành đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân và góp phần thực hiện văn minh trong tang lễ. Các đám tang đều được chôn cất tại các nghĩa trang theo đúng quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ năm 2005 đến nay có 6.248/8.761 đám tang được tổ chức theo nếp sống văn hóa mới.

Việc tổ chức lễ hội cũng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, góp phần phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ tỉnh, giai đoạn 2005- 2009 và giai đoạn 2010- 2015”, đến nay, tỉnh đã tổ chức và khôi phục được 60 lễ hội dân gian tiêu biểu như lễ mừng được mùa, lễ mừng lúa mới, lễ rước K’pan, lễ cúng bến nước…

Hầu hết các lễ hội được tổ chức đều có sự thống nhất chung như cờ hội được treo trong thời gian tổ chức lễ hội; thời gian tổ chức không quá 2 ngày, không bán vé ra vào cửa. Đặc biệt, năm 2015, Ót N’drong-sử thi của người M’nông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 21 nghệ nhân trên địa bàn tỉnh có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc thực hiện Quyết định 308 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn một số hạn chế nhất định, Cụ thể như một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và nội dung của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu chiều sâu, hiệu quả thực hiện ở một số nơi chưa cao.

Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể có nơi, có lúc vẫn còn thiếu chặt chẽ. Công tác vận động, tuyên truyền mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa làm chuyển biến được nhận thức tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Để khắc phục những hạn chế, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; quy định bằng hương ước, quy ước; làm tốt việc phát hiện và nhân rộng những mô hình điểm ở các địa phương. Cán bộ, đảng viên cần nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện. Phong trào xây dựng làng văn hóa-gia đình văn hóa cần được tiếp tục chú trọng, nâng cao chất lượng, gắn với cuộc vận động “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào, cuộc vận động khác ở địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội: Góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO