Thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư khóa XI: Đắk Nông nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với giải quyết việc làm

Thanh Nga| 30/07/2019 10:05

Theo Báo cáo số 159 của UBND tỉnh Đắk Nông, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện.

ADQuảng cáo

Lao động huyện Đắk Glong được doanh nghiệp tư vấn về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo được kiện toàn, hoàn thiện

Theo đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đến đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách phù hợp để thúc đẩy công tác đào tạo nghề.

Điển hình, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15 ngày 16/7/2014 về Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật trình độ trung cấp nghề trở lên và giáo viên dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án phát triển nghề công tác xã hội và đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025; phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù, triển khai các văn bản đồng bộ từ tỉnh đến địa phương, cơ sở để thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực có tay nghề cao nói riêng. Mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đã được kiện toàn, hoàn thiện các cấp trình độ đào tạo. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, chất lượng đội ngũ nhà giáo từng bước được chuẩn hóa và các cơ sở giáo dục đào tạo được nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đẩy mạnh áp dụng phương pháp dạy học tích hợp nhằm phát triển năng lực người học cũng như phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Đến nay, tỉnh đã xây dựng hoàn thiện bộ giáo trình nghề “Trồng cây công nghiệp” theo tiêu chuẩn nghề trọng điểm quốc gia để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước tiệm cận với yêu cầu chuẩn quốc gia.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được tự chủ xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật, thường xuyên đổi mới, cập nhật các chương trình đào tạo để bảo đảm chất lượng đầu ra. Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 5 năm 2014-2018 là 18.112 người.

ADQuảng cáo

Các lao động ở thị xã Gia Nghĩa tìm hiểu thông tin việc làm tại Phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại địa phương

Gắn đào tạo với giải quyết việc làm

Điều đáng ghi nhận, chất lượng đào tạo nghề không những từng bước được nâng cao mà còn gắn với giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Người học sau khi tốt nghiệp có tay nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, có việc làm và thu nhập tốt hơn hoặc có điều kiện để theo học các chương trình liên thông.

Để hạn chế tình trạng lao động học nghề xong không có việc làm, tránh lãng phí nguồn nhân lực xã hội, ngành chức năng đã tăng cường quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nói chung cũng như lĩnh vực đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng. Cùng với tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng đào tạo, thường xuyên giám sát, thanh kiểm tra theo các tiêu chí bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ngành chức năng chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chống tiêu cực và bệnh thành tích và khuyến khích xã hội giám sát chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Học viên học nghề sửa chữa ô tô tại Trung tâm Dạy nghề Đắk Nông

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư để gắn đào tạo với giải quyết việc làm theo nhu cầu của doanh nghiệp. Việc liên kết này thời gian qua cho thấy hiệu quả và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, doanh nghiệp ngày càng thể hiện là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sinh viên, học sinh cũng tăng cường tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp và nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tuyển dụng nhân lực ngay tại buổi lễ tốt nghiệp.

Có thể nói, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 37, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp được nâng lên. Nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực triển khai và tổ chức các mô hình hiệu quả trong đào tạo tay nghề cao. Các cấp, các ngành và người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, chọn ngành, chọn nghề. Doanh nghiệp từng bước tin vào chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong tỉnh. Thông qua đào tạo, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nhân lực trong tỉnh, thu hút và kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm: 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 5 cơ sở có chức năng giáo dục nghề nghiệp. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ngày càng được nâng cao. Kết quả, năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 41% , tăng 6% so với năm 2015; trong đó, lao động qua đào tạo nghề 32%, tăng 4,25% so với năm 2015.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư khóa XI: Đắk Nông nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với giải quyết việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO