Thu hẹp khoảng cách phát triển để phát triển vùng dân tộc thiểu số

Nguồn Dangcongsan.vn| 30/01/2015 09:19

Sáng 29/1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Ai len tại Việt Nam tổ chức diễn đàn thường niên với chủ đề “Mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020”.

ADQuảng cáo

Đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội, các đại biểu tại diễn đàn cho rằng, vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2014 tiếp tục phát triển ổn định. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4%/năm, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội có bước phát triển tích cực, dân trí được nâng lên, văn hóa được bảo tồn, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu khai mạc diễn đàn (Ảnh:KS)

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 56% trong tổng số hộ nghèo cả nước. Chất lượng giáo dục, y tế, nguồn nhân lực…còn thấp. Số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo lên tới 94,2%. Tình trạng du canh, du cư, chặt phá rừng, khiếu kiện tranh chấp đất đai, hoạt động tôn giáo trái pháp luật còn diễn biến phức tạp.

ADQuảng cáo

Đánh giá nguyên nhân của tình trạng nêu trên, các đại biểu cho rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại các địa bàn vùng núi cao, phức tạp, thường xuyên xảy ra thiên tai, cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhận thức về công tác dân tộc, vị trí, vai trò của các vùng dân tộc và miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước chưa thực sự sâu sắc và coi trọng đầy đủ. Cơ chế chính sách dân tộc còn mang tính ngắn hạn, việc cân đối, bố trí vốn chưa chủ động, chưa đảm bảo các mục tiêu và kế hoạch đề ra.

Thông qua diễn đàn, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều thống nhất 3 nhóm khuyến nghị để Chính phủ xem xét trong việc soạn thảo kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số. Trước hết, Việt Nam cần xử lý vấn đề xu thế bất bình đẳng vốn nảy sinh khi các quốc gia tăng trưởng và phát triển. Các biện pháp phù hợp bao gồm đầu tư vào các ngành có năng suất cao hơn và thu nhập tốt hơn tại vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, chìa khóa thành công là tối đa hóa sử dụng các nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên tại chỗ. Bảo đảm hiệu quả quyền tiếp cận vốn sản xuất của người dân tộc cũng như giúp họ tìm được việc làm thông qua đào tạo nghề theo hướng phù hợp với văn hóa, nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, các chính sách phải đi liền với cơ chế triển khai có hiệu quả. Điều này đòi hỏi vai trò lớn hơn của các cơ quan Trung ương trong việc giám sát và điều tiết các chính sách cũng như vai trò của cấp tỉnh, huyện, xã trong quá trình phân cấp, trao quyền và cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các mục tiêu, chính sách cần bao gồm cả việc tạo ra năng lực tự chủ cho đồng bào dân tộc thông qua xây dựng kỹ năng, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển hệ thống an sinh xã hội.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã chia sẻ một số mô hình phát huy hiệu quả năng lực nội sinh của cộng đồng và đề xuất các giải pháp thực tế này vào các chương trình, chính sách giảm nghèo và hỗ trợ vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hẹp khoảng cách phát triển để phát triển vùng dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO