Thông điệp trẻ em, trách nhiệm người lớn

Tường Mạnh| 14/12/2017 09:49

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 4531 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình xây dựng, triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình cần nghiên cứu, xem xét các thông điệp, kiến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 được tổ chức vào tháng 8/2017 ở Hà Nội.

ADQuảng cáo

Theo đó, với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, 200 trẻ em đến từ 50 tỉnh, thành phố, đơn vị, đại diện cho trẻ em cả nước tham dự diễn đàn đã gửi các thông điệp, kiến nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các địa phương nỗ lực xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách để bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Điển hình, trong quá trình thảo luận, các em nhận thấy, hiện nay một trong những vấn đề nổi cộm, thách thức nhất vẫn còn diễn ra hết sức bức xúc trong xã hội đó là tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở cả Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Người xâm hại trẻ em có thể là bất cứ ai, kể cả trong nhà trường và gia đình. Không ít trẻ em vẫn phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, không an toàn, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần. Trẻ em đã và đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng, bị lừa bởi các thông tin ảo, bị dụ dỗ, lôi kéo với mục đích xấu.

Từ những vấn đề nổi cộm, thách thức đó, các em đã nêu thông điệp, kiến nghị tập trung vào các vấn đề: Phòng, chống bạo lực trẻ em; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn; phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đơn cử, về vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em, các em nhỏ cho rằng, bạo lực không bao giờ là cách giải quyết tốt nhất, nên cần phải chấm dứt những hình phạt bạo lực với trẻ em trong nhà trường và trẻ em cần mạnh dạn lên tiếng khi mình hoặc bạn mình bị bạo lực, xâm hại. Đặc biệt, cha mẹ cần nâng cao nhận thức về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em. Pháp luật cần tăng nặng các hình thức xử phạt đối với các hành vi bạo lực trẻ em...

Với vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn, các em cũng khẳng định một thông điệp hết sức rõ ràng: Đừng để trẻ em sinh ra trẻ em; cần tạo môi trường an toàn và hòa nhập cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Báo chí không nên đưa thông tin chi tiết và cần tôn trọng quyền bí mật đời sống riêng tư khi thông tin về vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

ADQuảng cáo

Về vấn đề phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, các em cho rằng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cần quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện hơn nữa cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để ngăn ngừa lao động trẻ em; miễn giảm học phí cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ vốn cho các gia đình khó khăn, nghèo có cơ hội phát triển kinh tế. Đặc biệt, pháp luật tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động trẻ em.

Về vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, các em cũng đề nghị, các cơ quan quản lý cần thắt chặt an ninh mạng, kiểm duyệt tất cả các thông tin trước khi đăng tải, vô hiệu hóa kịp thời các trang mạng phản cảm, có nội dung xấu; mở rộng các lớp dạy kỹ năng cho trẻ em để tham gia vào môi trường mạng an toàn, biết cách tự bảo vệ bản thân...

Bên cạnh mong muốn những kiến nghị được các cơ quan, tổ chức thường xuyên xem xét, đáp ứng và phản hồi, các em cũng cam kết sẽ đóng góp sức mình cùng chung tay phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thực hiện bổn phận của trẻ em.

Rõ ràng, những thông điệp, kiến nghị của trẻ em nêu tại diễn đàn khiến cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh và người lớn cũng cần phải xem xét, nhìn nhận lại trách nhiệm của mình đối với con trẻ. Không còn là lứa tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, các em đã thể hiện tư duy, cách nhìn nhận vấn đề hết sức cụ thể, sâu sắc, sát với thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi xã hội phải quan tâm, thực hiện đúng với thông điệp: Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em!

Vì vậy, điều quan trọng đặt ra ở đây đó là, các cấp, các ngành, đoàn thể, trong khả năng, trách nhiệm của mình cần phải hết sức quan tâm, thực hiện tốt các thông điệp nhằm bảo đảm giúp trẻ em được sống an toàn, phát triển lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi bóc lột, bạo lực, xâm hại trẻ em.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp trẻ em, trách nhiệm người lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO