Thơm thảo những tấm lòng thiện nguyện

Hoàng Hoài| 17/03/2016 09:46

Quan tâm, sẻ chia với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là phương châm sống của bà Lê Thị Lượm ở thôn Quảng Thuận và anh Vũ Đức Hiệp ở thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp).

ADQuảng cáo

Gắn bó với nghề buôn bán tạp hóa đã mấy chục năm nay, có lẽ có duyên với nghề, nên việc kinh doanh của bà Lượm luôn thuận lợi. Cửa hàng của gia đình bà ngày càng mở rộng với nhiều mặt hàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trong vùng.

Theo bà Lượm chia sẻ thì xuất phát từ nghèo khó, nên khi kinh doanh có lãi, bà đều trích một phần để tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương như thăm hỏi, tặng quà các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Mới đây nhất, bà đã nhận trợ cấp hàng tháng cho 2 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã, mỗi tháng mỗi người 200.000 đồng.

Bà Lượm thăm hỏi người mà bà nhận hỗ trợ lâu dài

Bà Lượm cho biết: “Từ nhỏ, bản thân rất vất vả, nên khi công việc kinh doanh thuận lợi, cộng với có sức khỏe, tôi rất cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn. Tôi hy vọng, tuy việc làm của tôi nhỏ nhoi, nhưng đó sẽ là nguồn an ủi động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vững tin hơn vào cuộc sống”.

Một trong hai người được bà Lượm nhận hỗ trợ lâu dài là bà Nguyễn Thị Hằng năm nay đã gần 60 tuổi, có thần kinh không ổn định, hiện đang ở với gia đình em trai, nhưng cũng không khá giả gì.

ADQuảng cáo

Tương tự, anh Vũ Đức Hiệp ở thôn Quảng Bình luôn thấy mình may mắn khi có sức khỏe và 4 ha cây trồng để làm ăn, phát triển, cuộc sống khấm khá. Điều đáng nói, với tinh thần “tương thân, tương ái”, mỗi khi thu hoạch xong vụ mùa, anh đều nhờ xã, thôn chọn lựa những hộ gia đình đặc biệt khó khăn để tặng quà. Mới đây, anh nhận hỗ trợ 2 đối tượng là nạn nhân chất độc da cam khó khăn trong xã.

Anh Hiệp bày tỏ: “Tôi làm việc này được 2 năm rồi. Hàng năm, mỗi khi tết đến, với những hộ nghèo đặc biệt khó khăn, tôi đều có chia sẻ với họ vài phần quà. Vừa qua, biết được trường hợp của 2 người có hoàn cảnh khó khăn, tôi đã nhận hỗ trợ lâu dài. Tôi làm việc này xuất phát từ cái tâm và tình thương chứ không mong để được khen thưởng, biểu dương. Tôi chỉ mong sao, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn nữa để những người có hoàn cảnh không may có thêm chỗ dựa tinh thần”.

Anh Hiệp (bên phải) thăm hỏi người mà mình giúp đỡ

Anh Vương Văn Phúc là nạn nhân chất độc da cam. Bố mẹ mất sớm và anh Vương không lao động được nên chị Vương Thị Thu Vân ở vậy nuôi em. Thu nhập của 2 chị em là nguồn trợ cấp 400.000 đồng mỗi tháng và từ tiền công làm thuê của chị Vân. Nhưng với công việc làm thuê, thu nhập không đủ đắp đổi qua ngày, nên chưa bao giờ chị dám có suy nghĩ đổi đời. Vì vậy, khi được anh Hiệp nhận hỗ trợ em trai về lâu dài, gia đình mừng lắm.

Chị Vân cho biết: “Em tôi bị liệt bẩm sinh, may nhờ bà con, cô bác giúp đỡ, tôi mới vượt qua khó khăn được một ít. Tháng trước, với số tiền 200.000 đồng nhận từ anh Hiệp, tôi đã mua 10 con vịt về nuôi để gây giống, mong cuộc sống đỡ khó khăn hơn”.

Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng cho biết, bà Lượm và anh Hiệp luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tham gia giúp đỡ hộ neo đơn, hoàn cảnh nghèo ở địa phương. Vừa qua, bà Lượm và anh Hiệp đã nhận bảo trợ cho 4 đối tượng đặc biệt khó khăn về lâu về dài theo tinh thần Chỉ thị 25 của Tỉnh ủy về hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Bà Lượm, anh Hiệp là những người tiên phong thực hiện trợ cấp hàng tháng cho các hộ gia đình khó khăn. Đó là những người có tấm lòng thơm thảo với đời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thơm thảo những tấm lòng thiện nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO