Thiếu vốn, người lao động khó xuất khẩu lao động

Phan Tuấn| 21/04/2014 10:10

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và xã hội) thì từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 177 người lao động đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ).

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, chỉ có 5 người xuất cảnh thành công đi các thị trường như Đài Loan, Malaysia… Qua đánh giá, nguyên nhân khiến người lao động XKLĐ còn ít và chưa thâm nhập được các thị trường có mức thu nhập cao là do phần lớn các đối tượng tham gia đều gặp khó khăn về mặt tài chính, không trang trải được các chi phí cần thiết để xuất cảnh thành công.   

Đơn cử như trường hợp anh Đặng Văn Hoàn ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đành phải gác lại mong muốn đi XKLĐ vì không có đủ nguồn tài chính. Anh Hoàn cho biết: “Thời gian qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mình thấy nhiều người sau khi đi XKLĐ về nước đã có đời sống khấm khá. Vì vậy, mình đã mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình XKLĐ ở các thị trường có mức thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đông Âu… Thế nhưng, để được làm việc ở những thị trường này thì người lao động phải bỏ ra khoản chi phí ban đầu rất cao, lên cả trăm triệu đồng, là điều mà gia đình không thể gánh nổi”.

Tương tự, chị Hà Thị Nhung ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) lúc đầu đăng ký tham gia XKLĐ đi thị trường Đài Loan, nhưng sau đó buộc phải chuyển hướng lựa chọn làm việc tại thị trường Malaysia. Nguyên nhân là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đủ số tiền cần thiết  để trang trải các khoản chi phí đi làm việc tại Đài Loan nên đành “lỡ hẹn”, mặc dù bản thân có thể đáp ứng mọi nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Chị Nhung nói: "Việc phải lựa chọn làm việc ở thị trường Malaysia là ngoài ý muốn của tôi. Tiền công tại đây không cao so với các nước khác nên tôi đi chỉ để tìm kiếm công việc, giải quyết những khó khăn trước mắt của gia đình mà thôi ”.

ADQuảng cáo

Theo ông Bùi Anh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh thì thời gian qua, số lượng người lao động đăng ký tham gia chương trình XKLĐ tại “kênh” của trung tâm là khá nhiều. Tuy nhiên, số người xuất cảnh thành công còn quá thấp là vì phần lớn người lao động đều có nguyện vọng làm việc ở các thị trường có thu nhập cao, trong khi bản thân lại không thể trang trải được các khoản chi phí đi những thị trường này.

Chỉ riêng như việc xuất cảnh đi làm việc ở thị trường Đài Loan, người lao động phải bỏ ra khoản tiền 4.000 USD, cộng với các khoản chi phí đi lại, làm thủ tục khám sức khỏe, học ngôn ngữ nước đến làm việc… phải lên đến cả trăm triệu đồng. Đây là một “rào cản” rất lớn khiến nhiều người lao động khó tiếp cận với chương trình XKLĐ.

Mặt khác, hầu hết những người đăng ký tham gia chương trình XKLĐ chủ yếu là những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất, bộ đội xuất ngũ…, gặp nhiều khó khăn về tại chính. Trong khi đó, hiện người lao động chỉ mới được hỗ trợ vay vốn tối đa là 50 triệu đồng, nên chỉ mới đủ kinh phí đi làm việc ở thị trường Malaysia, chứ chưa thể thâm nhập được những thị trường có mức thu nhập cao.

Cũng theo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh thì hiện nay, các thị trường có thu nhập cao không còn khắt khe về mặt tiêu chí tuyển dụng, người lao động phổ thông cũng có thể tham gia chương trình miễn sao có thể đáp ứng được các chi phí cần thiết.

Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cùng với sự nỗ lực của người lao động thì ngành chức năng cần có những giải pháp cần thiết, giúp họ giảm bớt được những gánh nặng, áp lực về mặt tài chính, để có thể tham gia chương trình XKLĐ, nhất là ở những thị trường có mức thu nhập cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu vốn, người lao động khó xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO