Thiết thực phong trào Xây dựng gia đình văn hóa

Nguyễn Hiền| 16/04/2014 09:53

Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tỉnh thì phong trào Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của cuộc vận động.

ADQuảng cáo

Điều đáng mừng là việc triển khai thực hiện phong trào đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của hầu hết các tầng lớp nhân dân. Từ phong trào đã tạo ra sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, làm chuyển biến căn bản về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa nói chung và  xây dựng gia đình văn hóa nói riêng, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh trật tự.

Hội Phụ nữ xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) thường xuyên tuyên truyền cho các cặp vợ chồng về các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa

Theo đó, để việc thực hiện phong trào đạt hiệu quả cao, tỉnh đã hướng dẫn, cụ thể hóa các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, kèm theo thang chấm điểm để các địa phương đăng ký, bình xét, phù hợp với điều kiện kinh tế, dân tộc, dân cư ở từng vùng.

Các địa phương cũng tích cực vận động nhân dân nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, chăm lo phát triển kinh tế và cùng nhau đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phong trào Xây dựng gia đình văn hóa còn được gắn kết với các phong trào khác ở các khu dân cư như: Đền ơn đáp nghĩa; Xóa đói giảm nghèo; Đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội ma túy mại dâm; Phòng chống HIV/AIDS xâm nhập vào gia đình…

Các tổ chức đoàn thể cũng có những hình thức phù hợp để thu hút người dân cùng tham gia xây dựng gia đình văn hóa ở địa phương. Điển hình như Hội phụ nữ tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua như: xây dựng gia đình hạnh phúc; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; không sinh con thứ ba, thứ tư; phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà; phòng, chống bạo lực gia đình…

ADQuảng cáo

Hội nông dân, Đoàn thanh niên thì thành lập và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, phát huy vai trò của các gia đình, thanh niên ở địa phương.

Cũng từ phong trào Xây dựng gia đình văn hóa, đã xuất hiện nhiều điển hình, với thành tích nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Cụ thể như: gia đình ông Bùi Phê ở thôn Đắk Sơn 2, xã Đắk Hòa (Đắk Song) là gia đình có ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; gia đình ông Y Long ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đi đầu trong phong trào Xóa đói, giảm nghèo và phong trào Trồng rừng bảo vệ môi trường; gia đình ông Bùi Xuân Tứ ở thôn 4, xã Tâm Thắng (Chư Jút) là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, là “hạt nhân” của phong trào Văn hóa văn nghệ tại địa phương; gia đình anh Phạm Thiên Xá ở thôn 1, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) và gia đình ông Vi Văn Phương ở thôn Nam Thanh, xã Nam Xuân (Krông Nô)… là những tấm gương sáng trong phong trào Phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa vùng biên giới, bằng việc tích cực bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca ở địa phương; gia đình ông Hồ Tiến Thoại ở thôn 1, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) đã hiến 7000m2 để xây dựng trường học; gia đình ông Nguyễn Hoàng Duyên ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) hiến 3750m2 đất để xây dựng trường mầm non và ủng hộ 10 triệu đồng để làm đường giao thông…

Có thể nói, phong trào Xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế cũng như nâng cao ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, tăng cường tình làng nghĩa xóm, tình thương trách nhiệm, chống các biểu hiện tiêu cực, tạo được những chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nên số lượng gia đình văn hóa luôn tăng qua từng năm. Nếu năm 2007, toàn tỉnh có 59.298 hộ gia đình văn hóa, thì đến năm 2013 đã tăng lên 79.006 hộ, đạt 66,7% tổng số hộ.

Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào Xây dựng gia đình văn hóa cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể như một số địa phương còn xem nhẹ việc triển khai thực hiện phong trào; việc bình xét công nhận gia đình văn hóa có lúc có nơi còn mang tính hình thức; tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn, các tệ nạn xã hội vẫn đang có chiều hướng gia tăng…

Chính vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng gia đình văn hóa là điều hết sức cần thiết. Trong đó, các địa phương cũng cần chú trọng thành lập và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ để thu hút các gia đình tham gia sinh hoạt, làm cho người dân thực sự ý thức và hiểu được gia đình là “tế bào của xã hội”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực phong trào Xây dựng gia đình văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO