Thị xã Gia Nghĩa tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm của vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi

Hồng Thoan| 22/05/2019 13:43

Trong các ngày 12 và 15/5, tại địa bàn các phường Nghĩa Đức và Nghĩa Trung (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện có lợn bệnh, ốm chết do tư thương khai vận chuyển từ tỉnh khác về.

ADQuảng cáo

Sau khi chôn lấp, lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 5 xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Trước thực tế đó, các cấp, ngành thị xã Gia Nghĩa đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất sự lây nhiễm của dịch bệnh này trên đàn lợn của người dân.

Lực lượng thú y xã, phường trên địa bàn Gia Nghĩa phun khử trùng dọc quốc lộ 28

Những ngày gần đây, ngày nào anh Nguyễn Chí Ngọc, thú y viên phường Nghĩa Đức cũng thực hiện việc phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại những điểm có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Từ điểm phát hiện sự lưu hành của vi rút bệnh DTLCP trên quốc lộ 28, thuộc tổ 3, điểm nút giao thông, chợ, điểm giết mổ đều được tăng cường phun hóa chất tiêu độc khử trùng.

Anh Ngọc cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đồng thời với chức trách nhiệm vụ của mình, tôi nhận hóa chất về phun không sót một điểm nghi vấn nào, đặc biệt là khu vực vừa chôn lấp số lợn bị chết, điểm giết mổ gia súc tập trung có phát hiện lợn nhiễm bệnh của hộ ông Nguyễn Hữu Triều. Dù địa bàn khá rộng, lại chỉ có một mình nhưng tôi không quản ngại khó khăn, vất vả, nắng nóng, tất cả vì mục tiêu dập bằng được vi rút, không cho phát sinh ra các địa bàn khác ảnh hưởng đến chăn nuôi của người dân.

ADQuảng cáo

Phun xịt tại cơ sở giết mổ tập trung của ông Nguyễn Hữu Triều, phường Nghĩa Đức, Gia Nghĩa

Theo ông Lê Đình Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp thị xã Gia Nghĩa, trước thực  tế phát hiện có sự xâm nhiễm của vi rút bệnh DTLCP vào địa bàn, đơn vị đã nhận từ Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT) 500 lít hóa chất iodine để cấp phát cho đội ngũ thú y 8 xã, phường trên địa bàn thực hiện phun tiêu độc khử trùng. Trong đó, cùng với việc tiêu độc, khử trùng tại các điểm nút giao thông, công cộng, chợ, cơ sở giết mổ thì đợt này, việc phun được triển khai đến tận chuồng trại mỗi hộ chăn nuôi lợn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc xâm nhiễm, lây lan mầm bệnh.

Phun xịt tại chợ Bikon, Gia Nghĩa

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết, toàn thị xã hiện có 185 hộ nuôi lợn với tổng đàn khoảng 9.300 con. Thực tế, khi phát hiện lợn bị bệnh, chết vứt một số điểm như đã nêu, thị xã đã cho tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bệnh, chết được phát hiện trên địa bàn tổ 3, Nghĩa Đức và tổ 1, Nghĩa Trung trước 24 giờ bảo đảm đúng theo quy định của Bộ Nông nghiệp - PTNT. Sau khi có kết quả xét nghiệm, phát hiện sự xâm nhiễm của vi rút bệnh DTLCP, thị xã đã chỉ đạo thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường toàn địa bàn các xã, phường. Địa phương phối hợp tốt với các cơ quan đơn vị như Sở Nông nghiệp - PTNT, Phòng Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh)… tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào, ra địa bàn. Hiện nay, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Nông nghiệp - PTNT tổ chức cũng đang đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các điểm giết mổ, cơ sở giết mổ, hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn để ngăn ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo cơ quan chức năng, 4 ngày sau khi phát hiện có vi rút bệnh DTLCP (16-19/5) trên địa bàn không phát hiện thêm trường hợp nào có lợn bị bệnh, ốm chết. Người dân không nên hoang mang, lo lắng quá mức mà cần chủ động thực hiện tốt các hoạt động về an toàn dịch bệnh. Khi phát hiện lợn có biểu hiện bệnh, tổ chức, người dân báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền cơ sở biết, kịp thời theo dõi, lấy mẫu xác định chính xác bệnh. Người dân không nên giấu dịch, vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm lợn, thịt lợn ốm, chết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị xã Gia Nghĩa tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm của vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO