Tạo động lực đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học

Vũ Trang| 20/08/2016 09:20

Được triển khai từ năm học 2014-2015, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh đã góp phần khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong học sinh. Qua đó, nhiều ý tưởng, sáng kiến không kém phần độc đáo có thể ứng dụng trong đời sống sinh hoạt, học tập do chính các em chế tạo đã xuất hiện.

ADQuảng cáo

Sân chơi bổ ích

Trước đây, mỗi khi nhắc đến sáng tạo hay nghiên cứu khoa học, nhiều người vẫn thường nghĩ đó là việc dành cho các nhà khoa học hay ít nhất là sinh viên các trường đại học.

Tuy nhiên, từ khi Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh được tổ chức, những suy nghĩ đó đã dần thay đổi. Thông qua cuộc thi, đông đảo các em học sinh từ bậc tiểu học đến THPT đều được thỏa sức sáng tạo với những mô hình, sản phẩm, tái chế... phục vụ cho học tập và cuộc sống.

Lần đầu tham gia “đấu trường khoa học” cấp tỉnh, em Võ Văn Hùng, học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk R’lấp) hào hứng cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống, em và bạn cùng lớp là Nguyễn Thanh Thiên đã nảy ra ý tưởng về “Chiếc gối thông minh”. Chiếc gối này có thể đo được thân nhiệt của trẻ qua đầu bằng thiết bị cảm biến, từ đó, cảnh báo với các bậc phụ huynh về việc trẻ bị sốt khi ngủ”.

Trong các mô hình, sản phẩm được đánh giá cao, có nhiều mô hình, sản phẩm nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống. Các em bắt đầu có ý tưởng khi chứng kiến những vất vả, nhọc nhằn của gia đình trong lao động sản xuất hàng ngày.

Đơn cử như sản phẩm “Máy làm phân đa năng” của nhóm học sinh Trường THPT Trường Chinh (Đắk R’lấp). Theo các em Võ Văn Trường Giang và Mạc Văn Anh, tác giả của sản phẩm thì hàng ngày, nhìn thấy cha mẹ thường trộn các loại phân bằng tay, các em đã nảy ra ý tưởng về sản phẩm máy làm phân đa năng có thể kết hợp việc cắt cỏ, xay cỏ và ủ thành phân. Với sự hướng dẫn tận tình của giáo viên, sản phẩm đã được hoàn thành và đưa vào ứng dụng tại gia đình.

Mô hình “Máy làm phân đa năng” của nhóm học sinh Trường THPT Trường Chinh (Đắk R’lấp) được đánh giá cao về tính thực tiễn

Ngoài ra, nhiều học sinh cũng có những ý tưởng, nghiên cứu, sản phẩm bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế hoặc tận dụng những đồ phế thải để làm ra sản phẩm có ích.

ADQuảng cáo

Điển hình như: Nghiên cứu xử lý rác thải hữu cơ chợ Gia Nghĩa bằng chế phẩm sinh học ứng dụng trồng rau sạch của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa); Hệ thống máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời tận dụng phế liệu của nhóm học sinh Trường THPT Quang Trung (Đắk Mil); Máy sấy năng lượng mặt trời của nhóm học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (Đắk Mil); Thùng rác thông minh của em Thi Minh Thắng, học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Đắk R’lấp)...

Theo Ban tổ chức cuộc thi, qua hai lần tổ chức, toàn tỉnh đã có hơn 1.200 thanh, thiếu niên và nhi đồng tham gia với 839 mô hình, sản phẩm sáng tạo trên các lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập, dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; sản phẩm thân thiện với môi trường; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; phần mềm tin học. Các mô hình, sản phẩm đều được các em nghiêm túc nghiên cứu, tìm hiểu với khát khao đem đến giải pháp tích cực nhất cho các vấn đề trong học tập và cuộc sống.

Mô hình “Máy sấy năng lượng mặt trời” của nhóm học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (Đắk Mil)

Cần “chắp cánh” cho ý tưởng sáng tạo

Thực tế cho thấy, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh không chỉ là sân chơi bổ ích, cơ hội cho học sinh giao lưu, học hỏi, kết bạn mà còn khơi dậy tính sáng tạo, rèn giũa tính kiên nhẫn, tiết kiệm, hướng các em trở thành những con người có trách nhiệm đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Tuy nhiên, để cuộc thi ngày càng phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng trong thanh, thiếu niên và nhi đồng thì các ngành, địa phương cần phải có sự quan tâm, động viên tích cực hơn nữa.

Anh Bùi Ngọc Sơn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, thực tế các mô hình, sản phẩm chỉ mới dừng lại trong khuôn khổ cuộc thi. Sau khi đạt giải, các sản phẩm, sáng chế vẫn chưa được áp dụng vào thực tiễn, chưa tạo được động lực cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tiếp tục nỗ lực, cố gắng để theo đuổi đam mê sáng tạo.

Theo ông Trần Mạnh Đương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh thì điều quan trọng là phải “chắp cánh” cho những ý tưởng sáng tạo của các em, quan tâm định hướng phương pháp nghiên cứu phù hợp. Đặc biệt, đối với những sản phẩm sáng tạo có tính ứng dụng cao vào thực tiễn cuộc sống, địa phương cần nghiên cứu những giải pháp hỗ trợ cần thiết. Đơn cử như sản phẩm “Tinh dầu sả chanh” của  nhóm học sinh Trường THPT DTNT Đắk R’lấp, tỉnh có thể hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm mang hình ảnh của địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, theo đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, với ý nghĩa thiết thực mà cuộc thi mang lại, trong những lần tổ chức tiếp theo, các ngành, địa phương cần nghiên cứu, triển khai những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả và sức lan tỏa của cuộc thi. Theo đó, việc tuyên truyền, phổ biến về các thông tin của cuộc thi phải được triển khai sâu rộng. Công tác tập huấn, trao đổi hai chiều giữa Ban tổ chức và Ban giám hiệu, giáo viên tại các trường học phải được chú trọng để kịp thời định hướng phương pháp nghiên cứu, tiếp cận, nâng cao chất lượng các mô hình, sản phẩm. Đặc biệt, ngoài khả năng sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của bản thân, các em cần được sự động viên, cổ vũ, bồi dưỡng từ phía gia đình, nhà trường... để phát huy tài năng, ý tưởng, đủ sức sáng tạo những mô hình, sản phẩm lớn hơn, thiết thực hơn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO