Tăng cường các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ

Hà Dương| 21/10/2014 08:59

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Hinh, Phó Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thời điểm này, khoa Khám mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi ngày tiếp nhận từ 7-10 bệnh nhân đau mắt đỏ ở mọi lứa tuổi, có trường hợp cả gia đình cùng bị bệnh.

ADQuảng cáo

Bệnh nhân Nguyễn Sỹ Hoàng, 9 tuổi, nhà ở xã Đạo Nghĩa (Đắk R'lấp) được mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng 2 mắt sưng đỏ, ra nhiều ghèn và chảy nước mắt, cảm giác rất khó chịu.

Mẹ bệnh nhân cho biết: “Cháu đã phát bệnh cách đây 7 ngày. Những ngày đầu, khi thấy một mắt cháu đỏ lên, gia đình chủ quan không để ý vì tưởng hạt bụi rơi vào nên cháu dụi mắt nhiều dẫn đến sưng đỏ. Sau vài ngày thì mắt còn lại của cháu cũng đỏ theo với những biểu hiện giống ban đầu. Gia đình đã dùng lá trầu giã nhuyễn đắp lên mắt cho cháu, chẳng những mắt không hết bệnh mà ngày càng đỏ hơn, nhiều ghèn và càng thấy khó chịu. Suốt mấy ngày rồi cháu phải nghỉ học, ăn uống kém và suy giảm về thể lực”.

Các bác sĩ Khoa Mắt cho biết, nhiều gia đình vẫn trị bệnh đau mắt đỏ theo kinh nghiệm dân gian, nghĩa là dùng các loại lá cây có tính khử trùng đắp lên mắt. Tuy nhiên, việc sử dụng cây thuốc không đúng cách sẽ không đem lại hiệu quả, ngược lại có thể gây nên những tác dụng ngược gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.

 Theo bác sĩ Nguyễn Duy Hinh, đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân của đau mắt đỏ thường là do nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc phản ứng dị ứng. Vì đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng. Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai.

ADQuảng cáo

Bệnh nhân cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó có cảm giác cộm như có cát ở trong mắt, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt. Ghèn mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Trước tình hình dịch bệnh xuất hiện và có khả năng bùng phát, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số bệnh nhân mắc bệnh.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, cần thực hiện phân luồng, cách ly người bệnh đau mắt đỏ tại khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng nhằm ngăn ngừa sự lây lan tại bệnh viện; bảo đảm các điều kiện vệ sinh cho người đến bệnh viện như nước rửa tay, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn nhanh...; Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây truyền; Bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh.

Các đơn vị y tế dự phòng cần tăng cường hoạt động truyền thông, thông tin đến người dân hiểu biết về bệnh đau mắt đỏ, các biện pháp phòng chống dịch tại gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan. Đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ, khống chế không để dịch bệnh lây lan.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO