Tâm nguyện của ông Lý Công Kỉnh đang thành hiện thực

Tường Mạnh| 27/10/2017 06:00

Một trong những cán bộ cách mạng từng tham gia xoi mở, khai thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam năm xưa là ông Lý Công Kỉnh, ở bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa. Trước khi ông Kỉnh mất ít lâu, tôi đã may mắn gặp và được nghe ông kể về chuyến xoi mở đường huyền thoại năm xưa.

ADQuảng cáo

Mới đây, đến thăm nhà ông, thắp nén nhang lên bàn thờ, tôi xin phép ông được kể lại câu chuyện về chuyến xoi đường lịch sử đã trở thành một biểu tượng, ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời của ông.

Ông Lý Công Kỉnh (áo đen, ở giữa) cùng các đồng đội cũ trong một lần họp mặt truyền thống tỉnh Quảng Đức (ảnh chụp lại ảnh của gia đình chị Lý Thị Gái)

Theo lời ông Kỉnh, ông sinh ra, lớn lên và tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến chống Pháp ở Đồng Nai quê hương mình. Rồi sau đó, ông tập kết ra Bắc vào năm 1954 tham gia xây dựng quân đội. Trên đất Bắc, lòng ông vẫn canh cánh nỗi nhớ miền Nam ruột thịt và chỉ mong có dịp trở về miền Nam chiến đấu, giải phóng quê hương. Và điều đó đã thành hiện thực, khi vào tháng 5/1959, ông được Trung ương cử tham gia đoàn cán bộ gồm 25 người mang mật danh Đoàn B90 với nhiệm vụ mở tuyến hành lang chiến lược Bắc-Nam, vừa nối liên lạc giữa các cán bộ cách mạng ở Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, vừa xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đoàn do đồng chí Trần Quang Sang làm trưởng đoàn, kiêm bí thư chi bộ; phó đoàn là đồng chí Phùng Đình Ấm.

Đã bao năm trôi qua, nhưng ông vẫn còn nhớ như in buổi chiều trước khi lên đường, Đoàn B90 đã được gặp Bác Hồ. Hôm đó, Bác giao nhiệm vụ cho đoàn công tác và dặn dò cẩn thận mọi điều. Bác bảo: “Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn và rất gian khổ, đòi hỏi sự phấn đấu, hy sinh lớn lao của mỗi chiến sĩ cách mạng.

Ngoài việc nối liên lạc các nhóm với nhau, tạo hành lang thông suốt giữa các vùng thì vào trong đó, các chú phải suy nghĩ, tìm cách xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn vậy, không chỉ có “ba cùng, bốn cùng” mà còn cần phải “nhiều cùng”, làm sao cho đồng bào tin tưởng vào cách mạng, tin vào thắng lợi ngày mai”.

Sau khi được gặp và nghe Bác dặn dò, đoàn lên đường vào miền Nam. Bắt đầu từ Quảng Bình, bám theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, phải mất hơn 6 tháng trời vượt núi, băng rừng, Đoàn B90 mới vào được đến vùng Tây Nguyên. Nói sao hết được nỗi khó khăn, vất vả của chuyến xoi đường đầy táo bạo đó. Vừa đi vừa dò đường để tránh sa vào những ổ phục kích của thám báo địch rải khắp núi rừng; có lúc phải đi vòng qua Lào rồi mới tìm cách trở về nước.

Vào đến Tây Nguyên mà cụ thể dừng chân ở vùng Krông Nô, tỉnh Đắk Nông ngày nay, mặc dù không tổn thất người nào, nhưng ai nấy đều bơ phờ, cảm giác những cái khuy áo đang mặc trên người cũng trở nên nặng nề. Vậy mà cũng không chần chừ, xốc lại đội hình, các cán bộ, chiến sĩ bắt tay ngay vào việc tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương để thực hiện nhiệm vụ mà Bác Hồ dặn trước đó là xây dựng cơ sở cách mạng.

ADQuảng cáo

Lúc bấy giờ, do địch dồn dân vào các ấp chiến lược, liên tiếp càn quét để hòng cách ly đồng bào với cách mạng, nên việc tiếp xúc gặp rất nhiều khó khăn. Thâm độc hơn, địch thường dùng “chiêu” giả danh những cán bộ cách mạng để “bắt nọn” nên đồng bào không biết ai ngay, ai thật, luôn phải cảnh giác, đề phòng. Phải mất một thời gian kiên trì bám sát, đoàn mới tiếp xúc được với ông Ama Đoan (ở bon Sa Na, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, hiện đã mất) khi ông vào rừng. Cũng phải năm lần, bảy lượt vận động, thuyết phục, tìm nhiều cách để chứng minh là những cán bộ cách mạng “thứ thiệt”, đoàn mới gây được lòng tin nơi Ama Đoan.

Theo lời ông Kỉnh, đây chính là cơ sở cách mạng đầu tiên mà Đoàn B90 gây dựng được trong những ngày mới chân ướt, chân ráo vào vùng Tây Nguyên; rồi thông qua Ama Đoan mới mở rộng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào. Phải nói rằng, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì điều quan trọng nhất, đó là tạo dựng được lòng tin. Khi đã tin tưởng rồi, đồng bào sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, hy sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình để bảo vệ cán bộ cách mạng. Cũng chính nhờ đồng bào tin tưởng, đùm bọc, che chở mà nhiều cán bộ của đoàn đã thoát chết khi gặp địch bất ngờ đi càn quét, lùng sục gắt gao.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Kỉnh, đó là vào khoảng cuối tháng 10/1960, sau hơn 1 năm đến Tây Nguyên, Đoàn B90 từ phía Bắc vào đã bắt liên lạc được với cánh quân từ miền Đông Nam bộ sang tại khu vực sông Đồng Nai (vùng suối Đắk R’tíh, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa ngày nay). Buổi chiều hôm đó, để làm tin cho nhau, mỗi bên phải cử một người lội qua sông. Phía Đoàn B90 cử đồng chí Trần Văn Thời lội sang, nhưng do đang là mùa mưa nên nước sông Đồng Nai lên rất cao, cuồn cuộn chảy đã cuốn trôi đồng chí Thời, không ai cách gì cứu kịp. Hai bên bắt liên lạc được với nhau, nhưng ngay tại địa điểm này, Đoàn B90 đã phải hy sinh mất một đồng đội trung kiên. Đây cũng chính là mốc thời gian đáng nhớ, đánh dấu con đường hành lang chiến lược Bắc-Nam bắt đầu được khai thông. Nó không những tạo ra tuyến liên lạc thông suốt giữa các vùng, miền với nhau mà còn là tiền đề để xây dựng lực lượng, cơ sở cách mạng rộng khắp trong vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tạo ra thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

Suốt trong những năm tháng sau đó, tuyến hành lang Bắc-Nam đi qua vùng đất Tây Nguyên đã nổi tiếng với những hoạt động đưa đón cán bộ cách mạng, lực lượng bộ đội chính quy, vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam; tổ chức sản xuất tại chỗ để tự túc lương thực và tiếp tế cho bộ đội, phục vụ kháng chiến; tổ chức xây dựng lực lượng, cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền vận động đồng bào tham gia sản xuất, chiến đấu bảo vệ bon làng, bảo vệ cách mạng…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn B90 gồm 25 người thì chỉ còn lại 14 người, 11 người khác đã hy sinh, nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất Tây Nguyên. Mãi đến kỷ niệm 30 năm giải phóng Gia Nghĩa-Đắk Nông (23/3/2005), ông Kỉnh mới có dịp gặp lại một số đồng đội cũ trong Đoàn B90 năm xưa. Tay bắt, mặt mừng, bồi hồi nhớ lại chuyện cũ, các cán bộ cách mạng từng tham gia mở đường năm xưa không ai cầm được nước mắt.

Sau một thời gian tham gia công tác chính quyền, khi về già, ông Kỉnh vẫn vui vẻ sống một cuộc sống đạm bạc với gia đình, vợ con, chăm lo nương rẫy, ruộng vườn như bao đồng bào khác ở bon Bu Kol. Tuy nhiên, trong câu chuyện của ông lúc đó, tôi nhận thấy ông chỉ day dứt một điều, đó là mong muốn làm sao xây dựng một tấm bia tưởng niệm tại địa điểm mà hai cánh quân bắt được liên lạc với nhau ở phía bên này sông Đồng Nai. Ông Kỉnh tâm sự, điều này có một ý nghĩa rất lớn, không chỉ đánh dấu một địa danh lịch sử mà còn tưởng nhớ đến người đồng đội Trần Văn Thời cũng như bao cán bộ, chiến sĩ khác đã hy sinh một cách anh dũng trên tuyến hành lang chiến lược Bắc-Nam.

Trước khi mất ít lâu, ông Kỉnh chắt chiu, dành dụm làm được ngôi nhà xây khá tươm tất tại bon Bu Kol mà hiện giờ gia đình người con gái út là Lý Thị Gái (27 tuổi) đang ở. Chị Lý Thị Gái cho biết: “Ngôi nhà làm xong, hầu như ba chưa ở được ngày nào thì mất, nhưng cũng may là có nơi để thờ phụng ba một cách đàng hoàng. Lúc còn sống, ba cũng đôi lần kể cho con cháu nghe về thời gian hoạt động cách mạng, nhất là việc ba tham gia chuyến mở đường hết sức gian khổ năm xưa. Khi ba mất, các bác là bạn chiến đấu năm nào cũng đến thăm viếng đông lắm. Ba tham gia cách mạng, cống hiến nhiều, nhưng không đòi hỏi gì cho bản thân, gia đình cả mà chỉ mong muốn mọi người hãy luôn nhớ đến những đồng chí, đồng đội đã hy sinh”.

Bây giờ, ở nơi suối vàng, chắc hẳn ông Kỉnh cũng sẽ phần nào vui mừng khi tâm nguyện bao năm của ông lúc còn sống đang dần trở thành hiện thực. Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, vào ngày 30/10/2017, Lễ tưởng niệm và đặt Bia tưởng niệm ghi danh các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông, được tỉnh tổ chức trọng thể tại bon Cây Xoài (thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa). Đây là sự kiện trọng đại, thể hiện sự tri ân, tôn vinh và biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đường hành lang chiến lược Bắc Nam-tuyến đường huyền thoại, gắn với bao chiến công oai hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm nguyện của ông Lý Công Kỉnh đang thành hiện thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO