Sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội có nhiều tiện ích

Hoàng Hoài thực hiện| 30/08/2016 10:23

Mặc dù có rất nhiều tiện ích, nhưng theo đánh giá, việc thực hiện giao dịch điện tử của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh còn thấp. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Võ Hùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

PV: Xin ông cho biết hiện nay, việc giao dịch điện tử của ngành BHXH tỉnh được thực hiện như thế nào?

Ông Võ Hùng: Việc thực hiện giao dịch điện tử là chủ trương của Chính phủ và ngành BHXH Việt Nam, có tác động to lớn tới công cuộc cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giao dịch cho người sử dụng lao động khi thực hiện các thủ tục về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Quy định nêu rõ hồ sơ BHXH điện tử bao gồm tờ khai và các tài liệu theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN ở dạng điện tử. Các tài liệu kèm theo ở dạng giấy phải được chuyển đổi sang dạng điện tử. Khi tài liệu giấy không còn giá trị pháp lý thì những nội dung liên quan tại thông điệp dữ liệu giao dịch điện tử cũng không còn giá trị pháp lý.  

Đối với tỉnh Đắk Nông, việc giao dịch điện tử ngành BHXH được triển khai từ đầu năm 2015. Ngay từ khi triển khai, UBND tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo các ngành, các cấp quyết liệt thực hiện, xây dựng thành chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (đạt từ 90% trở lên số đơn vị thực hiện giao dịch điện tử). Đối với ngành BHXH tỉnh cũng đang trong quá trình triển khai cài đặt, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động nhằm đẩy mạnh giao dịch điện tử ngày càng phát triển, giảm thời gian giao dịch khi đến giao dịch BHXH.

Một điều phải khẳng định, việc sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH có nhiều lợi ích, ưu điểm là giảm được các chi phí phát sinh cho các bên tham gia; giúp người sử dụng lao động có được công cụ lập thủ tục tham gia đúng quy định; hỗ trợ nhiều chức năng tự động giúp giảm thiểu sai sót khi kê khai; xem được kết quả giao dịch ngay qua mạng; giảm phiền hà cho người lao động cũng như người sử dụng lao động.

PV: Theo đánh giá thì việc thực hiện giao dịch điện tử của ngành BHXH còn thấp, cụ thể như thế nào và nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ông Võ Hùng: Quả thật, hiện nay, việc thực hiện giao dịch điện tử của ngành BHXH tỉnh còn thấp. Toàn tỉnh hiện mới có 737 đơn vị đăng ký giao dịch (đạt 47% so với các đơn vị sử dụng lao động); trong đó, có 138 đơn vị đã giao dịch thành công, chiếm tỷ lệ rất thấp. Không những vậy, còn có đơn vị sử dụng lao động từ chối giao dịch qua hình thức hồ sơ điện tử.

ADQuảng cáo

Nguyên nhân là một số đơn vị sử dụng lao động chưa quen với phương thức giao dịch điện tử; một số đơn vị sử dụng lao động nhỏ, lượt phát sinh giao dịch ít. Bên cạnh đó, địa bàn tỉnh đa phần là vùng sâu, vùng xa, đường truyền internet yếu, máy móc, trang thiết bị của đơn vị chưa bảo đảm phục vụ cho phần mềm giao dịch điện tử...

PV: Đối với những đơn vị chưa thực hiện hoặc từ chối thực hiện hình thức giao dịch điện tử, BHXH tỉnh có giải pháp như thế nào?

Ông Võ Hùng: Đối với những đơn vị chưa thực hiện hoặc từ chối thực hiện giao dịch điện tử, trước hết, BHXH tỉnh vận động, tuyên truyền các lợi ích mà giao dịch điện tử đem lại; đồng thời phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể để vận động thực hiện.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng thường xuyên báo cáo các cấp chính quyền để chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giao dịch điện tử. Tín hiệu đáng mừng là qua tuyên truyền, vận động hướng dẫn, hiện nay, lượng đơn vị chưa giao dịch và từ chối giao dịch điện tử đã có giảm so với trước.

PV: Để giao dịch điện tử được triển khai rộng khắp và đạt hiệu quả cao, thời gian tới, BHXH tỉnh tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?

Ông Võ Hùng: Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh triệt để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, tiến tới thực hiện ký số hồ sơ BHXH (hồ sơ điện tử). Ngành BHXH tăng cường vận động, tuyên truyền, hỗ trợ đơn vị trong công tác cài đặt, sử dụng phần mềm giao dịch điện tử. Công tác phát triển giao dịch điện tử trở thành mục tiêu ưu tiên của ngành BHXH tỉnh.

Ngoài ra, các nhà cung cấp I-VAN (dịch vụ giao dịch điện tử BHXH) trên địa bàn tỉnh như VNPT, Viettel… cũng cần phải tăng cường phổ biến, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử theo hợp đồng đã ký kết với ngành BHXH.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội có nhiều tiện ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO