Sẵn sàng phòng, tránh lũ lụt ở Tây Nguyên năm 2018

Võ Duy Phương| 10/05/2018 10:24

Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, lũ mới năm 2018. Thật khó lường hết được những hậu quả từ sự biến đổi bất thường của thời tiết thủy văn gây ra, do vậy cần nâng cao ý thức của mỗi người, sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ, hài hòa của các ban ngành, các cấp chính quyền nhằm chủ động phòng, chống và hạn chế những thiệt hại do lũ, lũ quét gây ra.

ADQuảng cáo

Đối với các sông suối ở Tây Nguyên, thông thường mỗi năm có từ 4 – 6 trận lũ lớn. Biên độ lũ (chênh lệch mực nước chân lũ lên với mực nước đỉnh lũ) thường từ vài ba mét đến bảy tám mét, trên một số sông suối nhỏ biên độ lũ có thể lớn hơn 10 mét. Thời gian cho mỗi trận lũ phụ thuộc rất nhiều vào tính chất mưa, hình dạng lưu vực và độ che phủ của thảm thực vật trên lưu vực. Hầu hết trên các sông suối nhỏ thường có thảm phủ thực vật kém, do cây rừng bị chặt phá nhiều thời gian một trận lũ chỉ kéo dài vài ba ngày. Những sông suối lớn và những sông suối có độ che chở tốt của rừng đầu nguồn thì thời gian trận lũ kéo dài hơn, thường từ 4 – 5 ngày, thậm chí có nơi hơn 10 ngày.

Mùa lũ chính vụ trên các sông suối ở Tây Nguyên thường trùng với mùa có các nhiễu động như bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông hoặc đổ bộ vào vùng bờ biển từ Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trong các tháng 8, tháng 9 và không khí lạnh tăng cường trong các tháng 10, tháng 11 và đầu tháng 12. Phần lớn các cơn bão, áp thấp nhiệt đới này tạo nên dải hội tụ có trục đi ngang qua Trung bộ. Vì vậy, đa phần Tây Nguyên nằm ở phần phía nam dải hội tụ này nên mưa lũ thường xuất hiện trong khoảng thời gian này. Đặc biệt, nếu bão, áp thấp nhiệt đới đổi bộ vào vùng biển từ Bình Định đến Nha Trang thì tàn dư của nó cũng thường gây mưa lũ lớn cho Tây Nguyên.

Theo nhận định của các chuyên gia Khí tượng Thuỷ văn, mùa mưa bão năm 2018 có khả năng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta tương đương so với với trung bình nhiều năm. Số cơn bão và áp thấp hoạt động trên Biển Đông khoảng từ 12 - 14 cơn, trong đó số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam từ 4 - 6 cơn. Một nửa trong số đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và đó cũng là số cơn bão, áp thấp nhiệt đới có tác động đến tình hình thời tiết, thủy văn các tỉnh Tây Nguyên.

Theo các nhà nghiên cứu khí tượng thủy văn thì vài chục năm trở lại đây, lũ, lũ quét ở khu vực Tây Nguyên có những diễn biến hết sức bất thường và ngày càng khốc liệt hơn. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, lũ ở Tây Nguyên có những diễn biết hết sức bất thường và khốc liệt hơn, đỉnh lũ cao hơn, cường xuất lũ lớn hơn và có ít nhất khoảng trên 10 trận lũ quét. Lũ quét ở đây thường xảy ra trên diện hẹp, nhưng mức độ khốc liệt của nói gây ra lại rất lớn và nó thể hiện đầy đủ các đặc tính đã nêu ở trên. Đặc biệt lũ quét ở Tây Nguyên thường xảy ra trong mùa mưa; thường đi kèm theo nó là vỡ hồ, đập và xói lở đất nên sức tàn phá của nó được nhân lên nhiều lần. Đặc biệt nếu bão hoặc áp thấp đổ bộ vào vùng bờ biển từ Bình Định đến Nha Trang thì tàn dư của nó thường gây mưa lũ lớn.

ADQuảng cáo

Đối với Tây Nguyên mùa mưa lũ năm 2018, nhìn chung đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa trong mùa mưa lũ năm 2018, ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa lớn dự kiến sẽ tập trung phổ biến vào khoảng tháng 8 và tháng 9, các huyện phía Đông tập trung vào các tháng 10, tháng 11 và mùa mưa kết thúc tương đương so với trung bình nhiều năm. Đáng lưu ý là trong khoảng tháng 9, tháng 10, do ảnh hưởng kết hợp của gió mùa Tây Nam với bão, áp thấp nhiệt đới dễ gây mưa trên diện rộng với cường độ lớn, cần đề phòng hoạt động của bão muộn gây mưa và sinh lũ ở Đông và Đông Nam tỉnh và những trận mưa cường độ lớn gây lũ lụt nghiêm trọng ở các vùng trũng thấp, sạt lở đất trên những sườn đồi dốc.

Mực nước đỉnh lũ dự kiến năm 2018, sẽ thấp hơn năm trước (năm 2017) và thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Cụ thể, mực nước trên các sông suối thuộc các huyện phía Tây từ tháng 5 có xu thế tăng dần, sang tháng 6 cần đề phòng những trận mưa lớn sinh lũ (lũ tiểu mãn), gây ngập ở một số vùng trũng thấp ven sông. Mùa lũ bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 11. Dự báo số trận lũ khoảng từ 10 - 12 trận, lũ lớn tập trung chủ yếu vào các tháng 8 và tháng 9. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất phổ biến đạt từ báo động 1 đến báo động 2, một số nơi đạt từ báo động 2 đến trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 9. Các huyện phía Đông, mùa lũ sẽ bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 11. Dự báo có khoảng từ 3 - 6 trận lũ, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất đạt từ báo động 2 đến báo động 3, một số nơi trên báo động 3, xuất hiện vào tháng 11. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất ở mức thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và thấp hơn đỉnh lũ năm 2017.

Theo các mô hình tính toán dự báo thủy văn cho kết quả mực nước đỉnh lũ trên các sông suối có khả năng đạt và vượt mức báo động 3, đồng nghĩa với nhiều vùng ven sông có thể chịu ảnh hưởng ngập sâu trong nước và lũ lụt có thể trở nên thiên tai rất tồi tệ nếu không có sự chủ động phòng chống. Đi kèm với mưa lũ lớn trên các sông, các thiên tai đặc biệt nguy hiểm khác như lũ quét và sạt lở đất có xu hướng xuất hiện nhiều mà nguyên nhân là do sự tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu toàn cầu kết hợp với các hoạt động làm thu hẹp diện tích và giảm độ che phủ của thảm thực vật rừng cũng như các hoạt động san ủi, xây dựng làm thay lớn đổi diện mạo và kết cấu của đất…

Lũ lớn đến đặc biệt lớn là một trong những thiên tai có mức độ thiệt hại lớn về vật chất đứng sau hạn hán ở Tây Nguyên, nhưng với mức độ gây thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng và môi trường sinh thái là rất nghiêm trọng. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành rất nhiều nhiều quan tâm đặc biệt đến công tác phòng, chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai như bão lũ gây ra. Để làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra, Ban Chỉ huy Phòng - chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã xây dựng phương án, kế hoạch trực ban, chuẩn bị tốt nhân tài, vật lực để sẵn sàng triển khai thực hiện với phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức lên kế hoạch, tổ chức lực lượng ứng trực ở những nơi thường xuyên bị lũ cô lập, lũ quét, sạt lở đất, nhất là các vùng ven sông, ven suối, sườn đồi, hồ, đập để di dời dân đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng phòng, tránh lũ lụt ở Tây Nguyên năm 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO