Quan trắc môi trường lao động, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động

Vũ Trang thực hiện| 26/07/2019 10:12

Sau một thời gian chuẩn bị về nhân lực, vật lực, theo quy định của Nhà nước, mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã được Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xung quanh việc thực hiện thêm chức năng này.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Đặng Thành

PV: Thưa ông, hiện nay, vấn đề quan trắc môi trường lao động có vai trò quan trọng như thế nào?

Bác sĩ Đặng Thành: Như chúng ta đã biết, hiện nay, môi trường lao động luôn tiềm ẩn các mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và tai nạn thương tích. Đặc biệt, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nhiều công nghệ, thiết bị mới được đưa vào sản xuất kéo theo nhiều yếu tố tác hại mới ảnh hưởng sức khỏe người lao động. Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế cho thấy, hàng năm số mẫu quan trắc môi trường lao động không đạt tiêu chuẩn tại các cơ sở lao động, sản xuất trên cả nước vẫn chiếm khoảng 10%. Các yếu tố có tỷ lệ mẫu không đạt cao là vi khí hậu, phóng xạ, điện từ trường, tiếng ồn và ánh sáng.

Riêng đối với các cơ sở y tế, do tính chất đặc thù ngành nghề riêng biệt, người lao động phải thường xuyên tiếp xúc với các mối nguy cơ vi sinh tiềm ẩn, đặc biệt là HIV/AIDS, lao, H5N1 cũng như hóa chất độc hại… Bên cạnh đó, người lao động làm việc tại các bộ phận khoa chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, giải phẫu bệnh, phòng mổ và kiểm soát nhiễm khuẩn còn bị phơi nhiễm rất nhiều yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe như: phóng xạ, điện từ trường, sóng siêu âm, các khí gây mê, hóa chất khử khuẩn cũng như các loại hóa chất khác.

Vì vậy, việc thực hiện quan trắc môi trường lao động là hết sức cần thiết. Cụ thể, việc thực hiện quan trắc môi trường lao động tại các cơ sở lao động giúp phát hiện sớm các nguy cơ, kịp thời có biện pháp kiểm soát, phòng tránh tai nạn và các bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động.

Mặt khác, kết quả quan trắc đánh giá mức độ tiếp xúc còn là cơ sở để thực hiện chế độ phụ cấp độc hại cho người lao động theo đặc thù công việc. Chính vì sự cần thiết đó mà hiện nay, việc bắt buộc thực hiện quan trắc môi trường lao động đã được quy định rõ tại một số văn bản như: Bộ luật Lao động, luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ...

ADQuảng cáo

PV: Vậy, việc quan trắc môi trường lao động được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Bác sĩ Đặng Thành: Quan trắc môi trường lao động là hoạt động tư vấn, khảo sát, đo đạc, thu thập, phân tích, đánh giá số liệu các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc, từ đó, báo cáo và đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc trong môi trường lao động. Các chỉ tiêu được đánh giá trong quan trắc môi trường lao động bao gồm: các chỉ tiêu khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm…); chỉ tiêu vật lý (ánh sáng, tiếng ồn, phóng xạ, độ rung…); các chỉ tiêu về yếu tố vi sinh, các yếu tố nguy cơ dị ứng; các thành phần bụi hạt; chỉ tiêu về hóa học; đánh giá gánh nặng lao động thể lực, căng thẳng tâm sinh lý và một số chỉ tiêu tâm sinh lý lao động…

PV: Riêng đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc quan trắc môi trường lao động là hoạt động khá mới mẻ. Đơn vị sẽ được thực hiện chức năng này như thế nào, thưa ông?

Bác sĩ Đặng Thành: Thông tư 26/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện các hoạt động chuyên môn, chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý, kiểm tra giám sát phòng, chống các yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu tác động tới sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, môi trường điều kiện vệ sinh lao động, môi trường điều kiện vệ sinh trường học.

Thực hiện quy định này, đến nay, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất và năng lực, bảo đảm yêu cầu về quan trắc yếu tố có hại trong môi trường lao động. Ngoài việc kiểm tra, giám sát, đo đạc các chỉ tiêu đánh giá môi trường làm việc của người lao động tại các cơ sở lao động, đơn vị cũng sẽ chú trọng lồng ghép việc hướng dẫn, truyền thông cho người sử dụng lao động, người lao động tại các cơ sở về các yếu tố tác hại nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường có nguy cơ; các biện pháp vệ sinh môi trường lao động, vệ sinh cá nhân làm giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố độc hại, xử lý cấp cứu khi xảy ra sự cố trong lao động…Qua đó, người sử dụng lao động, người lao động nâng cao nhận thức về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp từ đào tạo nguồn nhân lực, mua sắm thêm các trang thiết bị, máy móc nhằm từng bước nâng cao năng lực, đưa hoạt động quan trắc môi trường lao động đi vào chiều sâu, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của xã hội cũng như các yêu cầu về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, hướng tới chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện cho người lao động. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm phát triển các dịch vụ y tế dự phòng, góp phần ngày càng hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng theo định hướng của Bộ Y tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan trắc môi trường lao động, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO