Quan tâm, nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động

Thanh Nga| 01/01/2020 05:47

Năm 2019, người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá nông sản giảm mạnh, dịch bệnh trên cây trồng, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều địa phương... ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, nhờ các ngành, các cấp chú trọng giải quyết việc làm, đào tạo nghề nên các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.

ADQuảng cáo

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2019, số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm ước đạt trên 18.000 lượt người. Trong đó, số lao động được tạo việc làm tăng thêm trong nước chiếm 99%; số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu lao động khoảng 200 người, chiếm 1%. Bằng nguồn vốn của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tỉnh đã xét duyệt cho vay 2.862 dự án với khoảng 143 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm thêm cho trên 2.860 lượt lao động.

Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông tư vấn nghề nghiệp cho các bạn trẻ

Trong năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương, đoàn thể và doanh nghiệp tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia tìm hiểu về nghề nghiệp, thông tin và tìm kiếm việc làm. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội các địa phương tư vấn về chính sách, pháp luật lao động, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và tuyên truyền hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho 5.000 lượt người.

Trong năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho khoảng 3.960 người; trong đó trình độ trung cấp 211 người và 1.893 người theo hình thức xã hội hóa, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 1.856 người, đạt trên 155% so với cùng kỳ năm 2018.

Lao động trẻ của Gia Nghĩa tìm hiểu thông tin, cơ hội việc làm tại phiên giao dịch được tổ  chức ở địa phương

ADQuảng cáo

Vẫn còn những trăn trở

Mặc dù đạt được những kết quả nhưng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ. Đắk Nông là địa phương có cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, số lao động được giải quyết việc làm tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và thiếu tính ổn định, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, hiệu quả kết nối thông tin cung - cầu lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động còn thấp.

Tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tương xứng với nguồn nhân lực của tỉnh. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kiến thức ngoại ngữ, sức khỏe và ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động còn hạn chế. Công tác đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm chưa nhiều và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ngành nghề đào tạo chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động kỹ thuật cao. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa nhiều…

Công nhân Công ty Cổ phần Danoruco (Đắk Mil) thu hoạch mủ cao su

Năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu  giải quyết việc làm trên 18.000 lượt người; trong đó làm việc trong nước khoảng 17.820 lượt người và 190 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%. Tỉnh cũng đào tạo nghề cho trên 3.800 người, trong đó trình độ trung cấp và cao đẳng nghề 500 người, đào tạo trình độ nghề sơ cấp cho 1.500 người và dạy nghề thường xuyên cho 1.800 người.

Để thực hiện chỉ tiêu trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đề ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc làm để nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đến công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giúp người lao động nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng tần suất và nâng cao chất lượng hoạt động của các phiên giao dịch việc làm trên cơ sở kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động tại các địa phương.

Các địa phương thực hiện có hiệu quả các dự án vay vốn giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vay vốn đầu tư cho sản xuất, thu hút nhiều lao động vào làm việc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm, nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO