Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm: Khó hay chưa quyết liệt?

Vũ Trang| 25/04/2016 15:20

Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân mà công tác quản lý nhà nước trong hoạt động này còn những bất cập...

ADQuảng cáo

Bẩn từ cơ sở tập trung  

Gần 3 giờ sáng ngày 15/4, Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ gia súc của ông Nguyễn Hữu Triều, ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa). Đây là lúc cao điểm về hoạt động giết mổ tại cơ sở này. Quan sát bên trong lò mổ, những con lợn trước khi tiến hành các công đoạn giết mổ chỉ được dội nước sơ qua cho có lệ. Tất cả các công đoạn giết mổ đều được thực hiện trên nền xi măng nhầy nhụa phân, lông, chất thải...

Chỉ trong chớp nhoáng, lợn thành phẩm đã được lăn dấu thú y, chất lên xe chở ra các điểm tiêu thụ. Nội tạng cũng được làm ngay tại chỗ để mang ra chợ. Khoảng vài chục phút sau, dường như hệ thống nước thải của khu vực giết mổ đã quá tải, nước thải bắt đầu ứ đọng dâng lên lênh láng. Tất cả đều không thành vấn đề, bên trong, hoạt động giết mổ vẫn diễn ra sôi động; bên ngoài, những chiếc xe máy nối đuôi nhau ra vào cơ sở để chở thịt ra chợ bán.

Quy trình giết mổ gia súc không bảo đảm vệ sinh tại cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Hữu Triều ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa)

Được biết, cơ sở giết mổ gia súc của ông Triều đã hoạt động từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, cơ sở hoạt động từ 2 giờ đến 6 giờ sáng, giết mổ khoảng 60 con gia súc các loại. Theo ông Triều thì cơ sở chỉ cho thuê mặt bằng, điện, nước và lấy phí 20.000 đồng/con. Còn về việc giết mổ, người dân tự mang gia súc đến, thuê nhân công mổ rồi mang ra chợ bán, cơ sở không quản lý được.

Gần cơ sở giết mổ gia súc của ông Triều, cơ sở giết mổ gia cầm của bà Tống Thị Hương hàng ngày vẫn hoạt động bình thường, mặc dù chưa có giấy phép. Những con gia cầm sau khi được giết mổ tại đây không hề được đóng dấu kiểm định của cơ quan chức năng. Khi được hỏi, bà Hương cho biết: “Mỗi ngày, cơ sở giết mổ số lượng nhiều, xong việc thì đã gần sáng nên không kịp đóng dấu”. Được biết, cơ sở giết mổ gia cầm do chị Hương thuê lại để làm, không có giấy phép hoạt động và đã nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng đâu cũng vào đấy.

Không riêng gì các cơ sở nêu trên, thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhắc nhở, thậm chí xử phạt nhiều cơ sở giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn tỉnh vì không bảo đảm các điều kiện về VSATTP, gây ô nhiễm môi trường… nhưng xem ra vẫn không mấy hiệu quả.

Thiếu an toàn từ điểm giết mổ nhỏ lẻ

Các cơ sở giết mổ tập trung đã vậy, tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh, tình trạng giết mổ gia cầm tự phát cũng đang diễn ra khó kiểm soát. Tại một cơ sở bán gia cầm ở chợ Gia Nghĩa, hàng chục con gia cầm sống đủ các loại như gà, vịt, chim bồ câu... được nhốt trong những chiếc lồng sắt đặt sát mặt đất, chật cả lối đi. Xung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải của gia cầm lênh láng, bốc mùi hôi thối.

Các loại thau, chậu, nồi... bám đầy lông gà, lông vịt ngổn ngang. Khi có người mua hoặc giết mổ thuê cho khách mang gia cầm từ nơi khác đến chủ cơ sở giết mổ ngay tại chỗ. Quan sát kỹ hơn, chúng tôi không khỏi tò mò vì thấy công đoạn “xử lý” lông gà, vịt được thực hiện “siêu tốc”?.

Cụ thể, gia cầm trước khi vặt lông được nhúng qua vào một chậu nước sôi có màu đục. Sau khi vớt lên, phần lông lập tức dính kết chặt vào nhau, chỉ cần bóc nhẹ là tuột sạch cả mảng lông lớn, kể cả lông măng nhỏ thường phải dùng nhíp mới nhổ được.

Khi được hỏi, chủ cơ sở cho biết, chỉ cần dùng một ít nhựa thông cho vào nước sôi dùng để vặt lông gà, vịt. Theo các ngành chức năng, nhựa thông tuy có độ độc tính tương đối thấp đối với con người, nhưng nếu sử dụng ở liều lượng cao sẽ làm kích thích da, có thể gây ra các vấn đề hô hấp, suy nhược thần kinh.

ADQuảng cáo

Hoạt động giết mổ gia cầm tại một cơ sở giết mổ tập trung ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa)

Không chỉ tại các chợ trung tâm mà trên một số tuyến đường cũng xuất hiện các điểm buôn bán, giết mổ gia cầm sống tương tự. Thế nhưng, người tiêu dùng lại không mấy cảnh giác vì họ tin tưởng gà, vịt sống được giết mổ ngay tại chỗ vẫn an toàn hơn là mua gà, vịt đã giết mổ bày bán sẵn tại chợ.

Chưa cần phải sử dụng đến các biện pháp nghiệp vụ, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng dễ thấy, hoạt động giết mổ tự phát rất khó bảo đảm VSATTP cũng như công tác kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Thế nhưng, tất cả đều vẫn diễn ra bình thường giữa ban ngày như một điều hiển nhiên(?)

Lỏng lẻo khâu quản lý

Theo Chi cục Thú y tỉnh thì hiện nay, toàn tỉnh có 23 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang hoạt động. Hầu hết đều giết mổ theo phương thức thủ công, bán thủ công. Việc quản lý các cơ sở này rất khó khăn, bất cập.

Đơn cử như cơ sở giết mổ gia súc gia cầm của ông Nguyễn Hữu Triều, mặc dù đã xuống cấp, không bảo đảm yêu cầu hoạt động nhưng vẫn không thể đình chỉ hoạt động cơ sở này chỉ vì nguyên nhân rất đơn giản: Toàn thị xã, đây là cơ sở giết mổ gia súc tập trung duy nhất, nếu “đóng cửa” sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp sản phẩm thịt cho thị trường. Mặt khác, các đơn vị như thú y, tài nguyên môi trường chỉ có chức năng giám sát chuyên ngành còn xử phạt hay đình chỉ lại do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Quản lý các cơ sở giết mổ tập trung đã vậy, đối với những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tự phát nhỏ lẻ lại càng khó khăn hơn. Bởi vì, hầu hết các cơ sở đều nhỏ lẻ, nằm sâu trong khu chợ, khu dân cư và thường “ngụy trang” bằng hoạt động buôn bán bên ngoài. Hoặc một số địa phương như huyện Chư Jút, vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung nên không thể cấm người dân giết mổ gia súc, gia cầm theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ. Vì thế, chưa nói đến các vấn đề khác, chỉ công tác kiểm dịch, cán bộ thú y không thể giám sát, kiểm tra và lăn dấu cho các gia súc, gia cầm giết mổ theo kiểu này.  

Còn theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thì hiện nay, điều đáng lo nữa là quá trình vận chuyển thịt gia súc, gia cầm đã được giết mổ để ra thị trường tiêu thụ không bảo đảm VSATTP. Hầu hết thịt gia súc, gia cầm sau khi giết mổ đều được vận chuyển bằng xe lôi hay xe máy thô sơ. Thậm chí, những chiếc xe chở gia súc, gia cầm sống đến cơ sở giết mổ cũng được tận dụng để chở thịt ra thị trường bán, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cần sự đồng bộ trong vận hành

Thực tế, việc bảo đảm VSATTP đối với  thịt gia súc, gia cầm là một quá trình xuyên suốt từ khâu nuôi đến khâu giết mổ, vận chuyển và cung ứng đến người tiêu dùng... Bất kỳ một khâu nào thực hiện không tốt đều ảnh hưởng đến VSATTP. Với thực tế trên, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa.

Theo đó, ngoài việc có cơ chế khuyến khích các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng các lò mổ gia súc, gia cầm tập trung ứng dụng công nghệ cao thì việc xử lý về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, VSATTP tại các cơ sở giết mổ cũng cần được thực hiện thường xuyên và có những biện pháp “mạnh tay” hơn nữa. Các biện pháp xử phạt phải được xây dựng và thực hiện nghiêm để tạo sức răn đe trong xã hội.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục phải được đẩy mạnh để người quản lý cũng như chủ cơ sở giết mổ, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm là gia súc, gia cầm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong vấn đề bảo đảm chất lượng VSATTP, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm: Khó hay chưa quyết liệt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO