Qua khảo sát tại 21 thôn, bon, buôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số: Cần nhiều giải pháp phát triển bền vững

Lam Giang| 23/04/2014 10:31

Vừa qua, tỉnh đã tiến hành khảo sát tại 21 thôn, bon, buôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn; trong đó có 7 thôn, bản ĐBDTTS di cư từ ngoài vào và 14 bon, buôn, ĐBDTTS tại chỗ.

ADQuảng cáo

Kết quả khảo sát cho thấy, nhìn chung việc phát triển kinh tế - xã hội trong vùng ĐBDTTS của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở để chăm lo, nâng cao đời sống cho bà con.

Bon Ol Bu Tung, xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) hôm nay. Ảnh: Phan Tân

Theo đó, qua khảo sát 2690 hộ, với gần 13.000 nhân khẩu của 14 bon, buôn ĐBDTTS tại chỗ và 1401 hộ, 6464 khẩu ĐBDTTS di cư thì có khoảng 54% số người trong độ tuổi lao động, nhưng có từ 86-99% là lao động nông nghiệp; tỷ lệ lao động ngoài ngành nông nghiệp rất ít và còn có từ 8-10% chưa có việc làm; đồng thời có 217 hộ thiếu đất sản xuất, 191 hộ thiếu đất ở. Chất lượng nguồn lao động thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, do chưa qua đào tạo.

Trong phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, với bình quân mỗi hộ có khoảng 2 ha đất sản xuất, nhưng do trình độ canh tác còn thấp nên năng suất cây trồng, vật nuôi không cao, cơ cấu chuyển dịch kinh tế chậm.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ còn sơ khai. Điều này đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, với trên 40% trong vùng ĐBDTTS di cư đến và trên 39% trong vùng ĐBDTTS tại chỗ. Một bộ phận người nghèo còn trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và có biểu hiện bằng lòng với cuộc sống hiện tại, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Về dân trí thì trình độ từ THCS trở lên thấp nên đã ảnh hường rất lớn đến việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước, địa phương, nhất là trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như sắp xếp cuộc sống cho hợp lý.

Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế (chủ yếu là trình độ lớp 9 trở xuống) nên chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Còn nếu đánh giá theo tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới thì hầu hết các thôn, bon, bản đều không đạt so với yêu cầu, nhất là về thu nhập, đói nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, giáo dục, môi trường…

Từ thực tế trên, tại hội nghị về công tác thôn, buôn, bon, bản trên địa bàn mới đây, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để tạo sự chuyển biến rõ nét toàn diện các mặt về dân sinh, kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… trong vùng ĐBDTTS. Theo đó, về phát triển kinh tế, các ngành, địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

ADQuảng cáo

Trước hết, công tác quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển cây, con cho từng vùng cụ thể cần phải được làm tốt, vừa đảm bảo điều kiện sản xuất cho đồng bào, vừa phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

Cùng với việc tiếp tục mở rộng diện tích canh tác một cách hợp lý, tỉnh sẽ quan tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa.

Song song đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ khuyến nông viên, cộng tác viên từ xã đến thôn, buôn, bon, bản để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt đến tận hộ gia đình sẽ được chú trọng theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.

Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô hộ gia đình hoặc thôn, buôn, bon, bản để tuyên truyền, phổ biến làm cơ sở cho việc nhân rộng ra các vùng trong tỉnh cũng sẽ được triển khai rộng. Một biện pháp được tỉnh hết sức chú trọng đó là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thường xuyên, liên tục, sâu rộng thông qua nhiều loại hình, để nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về việc tự thân thoát nghèo; trong đó, đặc biệt chú ý đến vai trò của già làng, trưởng thôn, bon, buôn, bản, chức sắc tôn giáo. Việc cho vay vốn phải gắn với hướng dẫn đầu tư phát triển sản xuất và khả năng tiếp cận và sử dụng vốn vay.

Đường về bon Phi Mur (Quảng Khê) đã được bê tông hóa. Ảnh: Mai Anh

Trong giáo dục, cùng với củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục THCS ở vùng ĐBDTTS, toàn tỉnh cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường vận động và thực hiện xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho những đối tượng dưới 35 tuổi cũng như hạn chế tình trạng thất học, thu hút trẻ em trong độ tuổi đến trường và tổ chức mở các lớp bán trú tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Song song với việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ học vấn cho ĐBDTTS, các ngành, địa phương sẽ đẩy mạnh việc đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên việc dạy nghề, đào tạo nghề tại chỗ, theo hướng dạy nghề phù hợp với từng đối tượng, đào tạo nghề theo địa chỉ, nhất là đối tượng thanh niên.

Đối với đội ngũ cán bộ thôn, bon, buôn, bản, cùng với xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh sẽ quan tâm, tạo điều kiện để thu hút học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông dân tộc nội trú, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ cử tuyển, thanh niên có phẩm chất, năng lực sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là người dân tộc thiểu số.

Đồng thời, việc đẩy mạnh thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ xuống cơ sở có thời hạn, vừa đảm bảo có cán bộ tăng cường cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi cán bộ cơ sở còn yếu, vừa đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ qua thực tiễn ở những nơi khó khăn cũng sẽ được chú trọng…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua khảo sát tại 21 thôn, bon, buôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số: Cần nhiều giải pháp phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO