Phong trào hiến máu tình nguyện đã chú trọng hơn về chất lượng

Hoàng Hoài| 24/11/2014 10:57

Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thời gian qua, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) đã góp phần đáng kể trong việc cứu giúp người bệnh qua cơn hiểm nghèo. Đặc biệt qua mỗi năm, lượng người tham gia HMTN đã tỷ lệ thuận so với số lượng máu được tiếp nhận.

ADQuảng cáo

Cụ thể, năm 2005, số lượng tình nguyện viên tham gia là 2.700 người, nhưng chỉ hiến được 661 đơn vị máu an toàn. Còn trong 10 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh huy động được 3.591 người tham gia, nhưng lại hiến được 5.240 đơn vị máu an toàn.

Các tình nguyện viên tham gia hiến máu tình nguyện

Theo bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thì sở dĩ có kết quả trên, trước hết là do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến từng nhà, từng đối tượng cũng như nguồn hiến máu thường xuyên được xây dựng.

Để có lực lượng dự phòng kịp thời cung cấp máu khi có thiên tai, thảm họa xảy ra tại địa phương, Ban chỉ đạo HMTN các cấp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, lực lượng vũ trang… thường xuyên phát động cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, tình nguyện viên đăng ký tham gia các đội hiến máu dự bị và ngân hàng máu sống.

Hiện nay, cấp tỉnh đã thành lập được 6 đội hiến máu dự bị với 600 tình nguyện viên và 1 đội ngân hàng máu sống với 60 thành viên; 8 huyện, thị xã cũng thành lập được 8 đội hiến máu dự bị, mỗi đội 60 tình nguyện viên tham gia; 64/71 xã đã thành lập được đội HMTN, mỗi đội từ 20-30 tình nguyện viên. Đây là những tình nguyện viên tích cực, đủ sức khỏe và các tiêu chuẩn theo quy định hiến máu và sẵn sàng tiếp ứng máu khi có yêu cầu.

ADQuảng cáo

Hơn nữa, công tác tuyên truyền HMTN cũng có nhiều đổi mới, chú trọng vào các tiêu chí theo quy định. Hiện nay, mỗi dịp hiến máu, Ban chỉ đạo các cấp đều tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về một số yêu cầu về sức khỏe bản thân, bệnh tật để tham gia hiến máu, đảm bảo an toàn truyền máu, hạn chế được chạy theo số lượng. Vì vậy, tại các đợt HMTN gần đây, số lượng người tham gia phần lớn đều đáp ứng các yêu cầu đề ra, đi ít, nhưng lượng máu cho lại nhiều.

Bên cạnh đó, nếu như trước đây, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thường để cho các huyện, thị xã tự báo cáo số lượng tình nguyện viên cũng như số lượng máu tiếp nhận thì nay đã có sự theo dõi chặt chẽ, dựa trên số lượng phiếu đăng ký, nguồn máu thu vào. Việc làm này đã phần nào làm giảm thực trạng báo cáo khống, chỉ dựa trên chỉ tiêu mà không chú trọng vào chất lượng.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đắk R’lấp cho biết: “Xác định HMTN là một việc làm nhân đạo, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, thời gian qua, các cấp Hội chữ thập đỏ huyện luôn quan tâm,  đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới tận từng gia đình, từng đối tượng, nhưng ngày càng chú trọng vào chất lượng. Nếu năm 2011, huyện huy động được 605 tình nguyện viên tham gia hiến 490 đơn vị máu an toàn thì năm 2013, huy động được 673 tình nguyện viên tham gia hiến 570 đơn vị máu an toàn”.

Tương tự, tại các huyện Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô, phong trào HMTN cũng đã có sức lan tỏa sâu rộng, số lượng người tham gia hiến cũng như lượng máu tiếp nhận ngày càng tăng. Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 40 đợt HMTN và tiếp nhận trên 14.055 đơn vị máu an toàn. Phong trào HMTN cũng đã thu hút trên 18.951 tình nguyện viên tham gia; trong đó, cán bộ, công chức, viên chức chiếm 41%, nông dân và thành phần khác chiếm 41%, học sinh các trường THPT chiếm 21%, lực lượng vũ trang chiếm 10%.

Tuy nhiên, phong trào HMTN cũng đang gặp một số khó khăn nhất định, đó là việc tiếp nhận máu của các đơn vị vẫn chưa được nhiều, dẫn đến có lúc phải dừng lấy máu khi người dân đã đăng ký, nên phần nào cũng giảm tính nhiệt tình trong dân. Nguyên nhân một phần cũng do tại địa phương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa thực hiện được tiếp nhận máu cũng như sàng lọc, lưu trữ máu mà phải phụ thuộc vào các đơn vị khác ngoài tỉnh. Trong khi đó, các đơn vị phối hợp lại chỉ lấy số lượng có giới hạn, hết túi đựng máu thì dừng lấy máu…

Vì vậy, để phong trào HMTN ngày càng đạt kết quả cao thì bên cạnh sự nỗ lực của Hội Chữ thập đỏ, cũng cần có sự quan tâm, chỉ đạo của ngành Y tế trong việc bố trí nhân lực, trang thiết bị tiếp nhận, lưu trữ, sàng lọc máu để phối hợp tổ chức lấy máu tại địa phương. Việc này không chỉ giúp ngành chủ động được nguồn máu dự trữ kịp thời phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị mà còn thực hiện được việc hoàn máu cho tình nguyện viên hiến máu khi có nhu cầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào hiến máu tình nguyện đã chú trọng hơn về chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO