Phát huy vai trò truyền thông trong phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm

Tường Mạnh| 25/05/2016 10:53

Theo Kế hoạch số 176 vừa ban hành mới đây của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2016 thì toàn tỉnh cần phải đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng tham gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Trong đó, các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

ADQuảng cáo

Học sinh biểu thị quyết tâm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015. Ảnh: V.T

Mục tiêu của kế hoạch là thông qua công tác tuyên truyền nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn dân vào hoạt động phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tại cộng đồng dân cư. Rõ ràng, công tác truyền thông được xem là phương tiện thiết yếu, trọng tâm để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, mỗi người dân về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phát huy vai trò của mỗi gia đình, cộng đồng trong công tác phòng ngừa, không để số người nghiện gia tăng, nhất là không để ma túy xâm nhập vào học đường, bảo đảm giữ vững trường học không có học sinh nghiện ma túy, xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy. Truyền thông cũng cần giải thích cho người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường, chống phân biệt, kỳ thị đối với người có HIV.

ADQuảng cáo

Trước yêu cầu đó, một vấn đề được đặt ra là các hình thức truyền thông cũng cần thường xuyên được đổi mới theo hướng đa dạng hóa, đồng thời mở rộng độ bao phủ đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số…Trên cơ sở khoa học, nhân văn, công tác truyền thông cần hướng tới việc đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển tải thông tin để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm cũng như phản ánh kịp thời và sinh động các hoạt động phong phú trong công tác này của các địa phương, đơn vị.

Cụ thể như công tác tuyên truyền chú trọng về các tấm gương cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng, làm kinh tế giỏi; tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy tổng hợp, nhất là với nhóm nguy cơ cao như thanh thiếu niên, lái xe, người lao động phổ thông, công nhân... Cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm phối hợp với ngành chức năng trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone và lợi ích của việc sử dụng thuốc này đối với người nghiện, gia đình và cộng đồng.

Truyền thông cũng cần xây dựng được những thông điệp mới để xã hội hiểu rằng, HIV/AIDS cũng là một căn bệnh, người nhiễm HIV vẫn có thể sống bình thường và không gây hại cho cộng đồng nếu biết cách phòng tránh, giúp cộng đồng có cái nhìn bình đẳng với những người hiện đang sống chung với HIV/AIDS.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò truyền thông trong phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO