Phát huy truyền thống nhân ái, quy tụ những tấm lòng thiện nguyện

Hoàng Hoài| 24/11/2015 08:57

Bằng việc triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động giúp đỡ các đối tượng người nghèo, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã góp phần đáng kể vào bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

ADQuảng cáo

NHỮNG PHONG TRÀO, MÔ HÌNH NHÂN ĐẠO THIẾT THỰC

Hoạt động nổi bật, trở thành điểm nhấn trong hoạt động của các cấp hội, trước hết phải kể đến là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Hàng năm, mỗi dịp tết đến xuân về, các cấp hội đồng loạt tổ chức các hoạt động vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ để tặng quà các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù từng cấp, ngành, địa phương.

Điển hình như trong dịp Tết Nguyên đán 2015, toàn tỉnh đã tổ chức trao tặng được 34.889 suất quà cho hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật (đạt 175% kế hoạch đề ra). Trong đó, các cấp hội vận động được 25.621 suất quà với tổng trị giá trên 7,5 tỷ đồng; đồng thời tặng 18 xe lăn, hỗ trợ làm 3 nhà tình thương, 1 giếng khoan, khám bệnh cấp phát thuốc cho trên 4.533 lượt bệnh nhân nghèo với tổng số tiền trên 663 triệu đồng.

Đoàn từ thiện tặng quà cho người dân nghèo ở vùng khó khăn

Thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, qua khảo sát, các cấp hội đã lập hồ sơ cho 696 đối tượng; trong đó có 237 đối tượng đã được 153 tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh nhận trợ giúp với số tiền trên 534 triệu đồng, với các hình thức như trợ giúp hàng tháng, 1 lần, cho vay không lấy lãi…

Tại huyện Đắk R’lấp, theo ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện thì Hội đã gửi thư kêu gọi, giới thiệu thông tin địa chỉ, đối tượng cần trợ giúp và các hình thức hỗ trợ thích hợp…để các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm tự lựa chọn cho phù hợp với điều kiện, khả năng của mình. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, cùng với việc trợ giúp hàng tháng cho các đối tượng đặc biệt khó khăn thì Hội còn kêu gọi làm được 2 căn nhà tình thương và 2 giếng khoan cho trường học.

Hay như Hội Chữ thập đỏ Đắk Mil thì vận động 2 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn hỗ trợ xây dựng 2 nhà tình thương cho 2 hộ khó khăn có nhu cầu về nhà ở. Hội Chữ thập đỏ tỉnh thì tham mưu, phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh vận động hiến đất, hỗ trợ vật liệu xây dựng và ngày công làm 3 nhà cho các đối tượng đặc biệt khó khăn; đồng thời kêu gọi Công ty Cổ phần hóa chất và Dầu khí Đông Nam bộ hỗ trợ trên 2 tỷ đồng xây dựng Trường mẫu giáo xã Đắk D’rông (Chư Jút).

Hiến máu nhân đạo cũng là một trong những phong trào thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với việc thường xuyên thay đổi phương thức tuyên truyền, vận động, phong trào đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.

ADQuảng cáo

Có những gia đình, hoạt động hiến máu đã trở thành việc làm thường xuyên. Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Mùi ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), tất cả các thành viên đều tham gia hiến máu nhân đạo, có người đã hiến tới 8 lần. Từ đầu năm đến nay, các huyện Đắk Glong, Chư Jút và thị xã Gia Nghĩa đã vận động được 1.955 tình nguyện viên tham gia thu gom được 1.304 đơn vị máu an toàn.

Hội Chữ thập đỏ phối hợp tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, dân tộc thiểu số huyện Đắk Glong

CẦU NỐI ĐIỀU PHỐI TRONG HOẠT ĐỘNG NHÂN ĐẠO CỦA TỈNH

Theo bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, phát huy truyền thống nhân ái và cái tâm, tấm lòng thiện nguyện của người làm công tác nhân đạo từ thiện, thời gian qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ luôn cố gắng đổi mới nội dung, hoạt động phù hợp theo từng giai đoạn. Đồng thời, các cấp hội cũng triển khai có hiệu quả nhiều dự án, mô hình nhân đạo mang tính xã hội, trợ giúp cho các đối tượng khó khăn.

Mỗi phong trào, mô hình hội triển khai đều gắn với lợi ích của những người yếu thế trong xã hội để giúp họ có niềm tin, động lực tiếp tục sống và lao động. Ngoài những phong trào trên thì nhiều mô hình khác cũng đã đem lại những kết quả đáng mừng như Nuôi heo đất, Hũ gạo tình thương, Thùng tiền nhân đạo, Bếp ăn tình thương vì bệnh nhân nghèo…

Trong đó, đối với mô hình Bếp ăn tình thương, đến nay, tỉnh đã thành lập được 5 bếp tại các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Chư Jút, Đắk Mil, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bên cạnh đó, một số dự án do Hội thực hiện cũng đang góp phần đáng kể giúp những người có hoàn cảnh khó khăn trong phát triển kinh tế như: Dự án giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh, Ngân hàng bò.

Cũng theo bà Bình thì công tác tuyên truyền, vận động đóng một vai trò quan trọng trong phong trào nhân đạo của hội thời gian qua. Bởi thực tế đã chứng minh, ở đâu tuyên truyền tốt, vận động hay thì ở đó những đối tượng không may được hưởng lợi nhiều. Tuyên truyền, vận động để khơi dậy lòng nhân ái, tinh thần tự nguyện của mỗi tổ chức, cá nhân chứ không ép buộc hay hình thức.

Nhờ đó, từ năm 2010-2015, toàn tỉnh đã kêu gọi, vận động được trên 100 tỷ đồng trợ giúp các đối tượng nhân đạo. Có thể thấy, công tác Hội và phong trào chữ thập đỏ tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhiều khởi sắc. Từ đó, vai trò, vị trí của Hội từng bước được khẳng định, xứng đáng là nòng cốt, cầu nối điều phối trong hoạt động nhân đạo của tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy truyền thống nhân ái, quy tụ những tấm lòng thiện nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO