Phát hiện người tiền sử sinh sống trong hang động núi lửa Krông Nô: Tăng điểm hồ sơ công viên địa chất toàn cầu

Vũ Hà| 26/09/2018 09:55

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị công bố kết quả bước đầu của công tác tìm kiếm, khai quật di tích khảo cổ hang động núi lửa Krông Nô. Đây là kết quả bước đầu trong quá trình thực hiện đề tài “Điều tra nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam” do UNESCO tài trợ.

ADQuảng cáo

Theo đó, thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 do TS La Thế Phúc làm chủ nhiệm, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là cơ quan chủ trì; tập thể tác giả của đề tài đã tiến hành khai quật đợt 1 tại hang C6' và hang C6-1 từ tháng 3/2018.

Qua khai quật tại hang C6-1 và C6’ các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều di chỉ và hiện vật là đồ đá với các công cụ lao động và đồ gốm, xương và vỏ nhuyễn thể, vết tích của bếp lửa, 3 di tích mộ táng, dấu vết của 10 cá thể mà trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành. Đặc biệt và quan trọng nhất, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một bộ xương và hộp sọ của bé gái khoảng 4 tuổi, được chôn theo tư thế ngồi bó gối.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cầm trên tay hộp sọ em bé gái 4 tuổi từ hàng ngàn năm trước. Ảnh tư liệu

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, sau khi phát hiện những hiện vật nói trên, đầu tháng 3/2018 ông đã gửi ảnh về một chiếc răng cho hai người bạn là GS.TS Hirofumi Matsumura (Nhật Bản) và GS.TS Hoàng Tử Hùng ở TP. Hồ Chí Minh và chỉ vài tiếng sau, họ đều xác nhận với ông đó là răng người. Ông vô cùng hạnh phúc nói: “Thế là dấu vết đầu tiên của con người đã xuất lộ, bõ công tôi tìm kiếm suốt 54 năm trong nghề”… Theo kết quả phân tích bằng phương pháp C14 mới nhất của Mỹ và Nga thì các ngôi mộ này có niên đại là 6768 năm cách ngày nay.

ADQuảng cáo

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, hiện đã liên hệ để tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học nước ngoài như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc... họ đều phát biểu rằng, chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa.

Theo GS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, ông cũng đã có thư trao đổi với Chủ tịch Hội Hang động thế giới về việc tìm thấy dấu vết con người sinh sống tại hang động núi lửa Krông Nô và được ông Chủ tịch cho biết trên thế giới hiện tại, mới chỉ một hang động núi lửa có tìm thấy dấu vết người cổ sinh sống ở Hàn Quốc.

Sau khi có niên đại, việc tiếp theo là xác định nguồn gốc người thuộc chủng tộc nào theo phương pháp giám định gene (ADN). Đây sẽ là cơ sở để xác định tập tục sống, môi trường khí hậu thời kỳ đó cũng như lịch sử phát triển xã hội loài người. Tuy nhiên phương pháp này rất khó vì không phải mẫu nào cũng đạt do thời gian quá lâu, chưa đủ điều kiện để kết luận. Hy vọng rằng, việc tiếp tục khai quật hang C6-1 (mộ số 1 và số 3) vào năm 2019 tới đây sẽ tìm được hộp sọ của người trưởng thành. Đó là bằng chứng chính xác để tìm hiểu rõ hơn về người tiền sử sống ở Tây Nguyên

Theo các nhà khoa học, các di sản khảo cổ hang động núi lửa Krông Nô – nơi còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử - là di sản độc đáo duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Việc lần đầu tiên phát hiện ra di cốt người tiền sử trong các hang núi lửa là phát hiện mang tính bước ngoặt của ngành cổ nhân học Việt Nam và là một thành tựu lớn của các nhà khoa học Việt Nam. Thông tin này thực sự đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học, khảo cổ học trong nước và quốc tế.

Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là TS La Thế Phúc, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có những hành lang pháp lý bảo tồn và phát huy di sản, trước mắt cần lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, tiến tới cấp quốc gia đặc biệt. Việc phát hiện người tiền sử sinh sống và mộ táng trong hang động núi lửa ở Krông Nô cũng sẽ làm "tăng điểm" khi bổ sung vào hồ sơ công viên địa chất toàn cầu Krông Nô dự kiến sẽ hoàn thành để trình UNESCO vào cuối tháng tháng 11/2018.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện người tiền sử sinh sống trong hang động núi lửa Krông Nô: Tăng điểm hồ sơ công viên địa chất toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO