Phải xem xét, đánh giá cách thức thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Ngọc Dũng| 02/08/2017 09:58

Giảm nghèo là một trong những chỉ tiêu không đạt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đưa ra thảo luận, phân tích làm rõ tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa III mới đây.

ADQuảng cáo

Ban Dân tộc HĐND tỉnh tìm hiểu thực tế việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất tại gia đình ông K'Duh ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)

Tỷ lệ giảm nghèo “giẫm chân tại chỗ”

Trong các cuộc họp thẩm tra báo cáo, thảo luận tại kỳ họp, nhiều đại biểu đã nhắc lại “câu chuyện buồn” về thực hiện công tác giảm nghèo năm 2016. Theo đó, đến hết năm 2016, số hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn tới 28.739 hộ, chiếm 19,20% tổng dân số; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn tới 54,4%. Trong khi, mục tiêu đề ra cho năm 2016 là giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 17,26% và giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ xuống còn 49,4%.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, con số giảm nghèo lại gần như “giẫm chân tại chỗ” so với kế hoạch đề ra, chỉ giảm được 0,06% (kế hoạch 2%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm được 0,61% (KH 5%). Như vậy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh vẫn ở mức cao 19,14%. Điều đáng quan ngại là tỷ lệ hộ nghèo lại có chiều hướng gia tăng ở một số huyện nghèo như Đắk Glong: 62,19% và Tuy Đức: 56,26%.

Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo tăng một phần do việc áp dụng các tiêu chí đánh giá mới về bình xét hộ nghèo. Tuy nhiên, việc liên tục không đạt kế hoạch trong công tác giảm nghèo từ đầu năm 2016 đến nay cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên nhân cũng như xem xét, đánh giá lại cách thức thực hiện.

Nhiều nghịch lý

Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Phan Quốc Lập cho rằng, qua giám sát của HĐND tỉnh và thực tế cho thấy, tỉnh có nhiều chương trình, dự án đầu tư cho công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, khâu lồng ghép các chương trình lại không chặt chẽ, rời rạc cho nên không hiệu quả. Nhiều dự án có số vốn rất lớn, như Dự án 3EM với gần 500 tỷ đồng và đã triển khai nhiều năm nay. Tuy nhiên, khi bắt đầu và kết thúc dự án, chúng ta không thống kê được bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo tham gia và bao nhiêu hộ đã thoát nghèo khi hưởng lợi từ dự án. Cũng theo phản ánh của người dân, khi dự án đang triển khai thì việc ứng dụng các mô hình sản xuất, chuỗi liên kết rất có hiệu quả. Thế nhưng, khi dự án “rút” do hết giai đoạn, người dân lại quay về canh tác giống như ban đầu. Nguyên nhân sâu xa là do hầu hết người dân không đủ tiềm lực để tiếp tục thực hiện các kỹ thuật cao và đầu tư phân bón. Hay Dự án Flitch với nguồn vốn 190 tỷ đồng; trong đó, dành riêng cho trồng rừng khoảng 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua giám sát, hầu hết diện tích rừng đã bị chặt phá, không mang lại hiệu quả như mục đích ban đầu.

ADQuảng cáo

Đại biểu Lập cũng cho rằng, đối với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, thời gian qua tỉnh mới chỉ tập trung đầu tư xây dựng “bề nổi” hạ tầng. Đối với các chỉ tiêu về phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân vẫn chưa có sự quan tâm thích đáng. Điều đáng nói nữa là, theo các báo cáo của UBND tỉnh, tỷ lệ lao động có việc làm ở các xã xây dựng nông thôn mới đạt rất cao nhưng nghịch lý là “nghèo vẫn nghèo”. Vì vậy, tỉnh cần xem xét lại thực tế cũng như nguyên nhân sâu xa để có hướng khắc phục phù hợp, giải quyết được tận gốc vấn đề.

Tỉnh cần có cơ chế lồng ghép các nguồn vốn hiệu quả, giúp người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế

Xem xét trách nhiệm cụ thể

Liên quan đến vấn đề tỷ lệ hộ nghèo đạt thấp, ông Y Thái, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh lại cho rằng, có 4 nguyên nhân cốt lõi dẫn đến số lượng hộ nghèo hàng năm khó giảm. Cụ thể, người dân thiếu tư liệu sản xuất; một bộ phận lao động có việc làm nhưng thu nhập thấp nên rất khó cải thiện đời sống; điều kiện giao thông và điện lưới hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu.

Ngoài những nguyên nhân trên, ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ngày càng tăng là do việc xét hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nên nhiều hộ không đủ tiêu chuẩn thoát nghèo. Tính chính xác của phiếu điều tra hộ nghèo chưa cao nên ranh giới giữa nghèo và cận nghèo rất mong manh. Nguồn lực đầu tư chưa đủ mạnh và rời rạc. Nguyên nhân chủ quan là do sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc của một số địa phương còn hời hợt. Công tác quản lý dân cư, quản lý hộ nghèo còn lỏng lẻo. Quy trình họp dân, niêm yết công khai tại thôn, bon nhưng chủ yếu lại phụ thuộc vào điều tra viên là trưởng thôn. Tính chính xác điều tra hộ nghèo thuộc trách nhiệm của địa phương nhưng chính quyền cấp huyện, cấp xã thiếu kiểm tra, giám sát.

Nhiều đại biểu cho rằng, với thực tế những hạn chế như hiện nay, nếu không có giải pháp khắc phục thì việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sẽ rất khó khăn. Cùng với đó, mục tiêu trước mắt mà toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ giảm trên 2% số hộ nghèo cũng sẽ khó “chạm đích”. Vì vậy, tỉnh cần nhìn nhận lại “chặng đường đã qua” để xem xét, đánh giá lại những giải pháp đã thực hiện.

HĐND tỉnh cũng đã đề nghị UBND tỉnh đánh giá, phân tích và nêu rõ nguyên nhân hạn chế khi triển khai thực hiện chương trình. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cần đưa ra những giải pháp căn cơ hoặc điều chỉnh kế hoạch hành động để có những bước đi phù hợp.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa III, đồng chí Lê Diễn,
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng:

Hiện nay tỉnh ta có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ 3/5 tỉnh Tây Nguyên. Điều đáng nói là hiện nay tỉnh ta có tình trạng người dân “thích nghèo”, thích được xét công nhận hộ nghèo, thích ở thôn nghèo, xã nghèo. Điều này chứng tỏ, việc thực hiện công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền chưa thật sự đến nơi, đến chốn. Vì vậy, một bộ phận người dân vẫn cứ “thích nghèo”, trái với với quy luật phát triển.

Về chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo trong năm 2017, đồng chí cũng khẳng định:  Đây là một nhiệm vụ chính trị, nếu không đạt kế hoạch giảm 2% số hộ nghèo vào cuối năm 2017 thì phải xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cũng như xem xét trách nhiệm cụ thể đối với các cấp, các ngành liên quan.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải xem xét, đánh giá cách thức thực hiện mục tiêu giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO